TP.HCM hay mưa bất ngờ, rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh ra sao?

Những ngày qua, TP.HCM thường xảy ra các cơn mưa lớn khiến nhiều khu vực bị ngập.

Như chiều 21/6, mưa lớn kèm giống gió khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM thoáng chốc biến thành "sông", như đường Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức), Bình Lợi (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Văn Khối (Q.Gò Vấp)… bị ngập diện rộng, người dân bì bõm trong nước, đi lại khó khăn.

Trao đổi với báo Người lao động ngày 21/6, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thông tin tình hình thời tiết TP.HCM và các tỉnh lân cận diễn biến phức tạp, thời tiết thường xuyên âm u, mưa dông bất ngờ, dự kiến tình hình thời kéo dài đến ngày 25/6.

Nguyên nhân do hội tụ gió trên cao. Theo đó, nhiệt độ trung bình từ 26-34 độ C, độ ẩm trên 80%, mưa nhiều nhưng vũ lượng không cao.

Ngoài ra, hiện nay áp thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển mạnh và mở rộng về phía Đông Nam kết hợp với hiệu ứng phơn, từ đó thời tiết thay đổi thất thường. Vì vậy, trong các cơn mưa khả năng xảy ra nhiều biến động với lốc, sét, gió mạnh. Người dân trong thời gian này cần cẩn thận khi di chuyển ngoài đường, nếu được thì nên hạn chế ra đường khi trời mưa với gió giật mạnh.

Tình trạng ngập thường xuyên diễn ra khi trời mưa tại đường Nguyễn Hữu Cảnh khiến người dân ngao ngán. Ảnh: Tuổi trẻ

Tình trạng ngập thường xuyên diễn ra khi trời mưa tại đường Nguyễn Hữu Cảnh khiến người dân ngao ngán. Ảnh: Tuổi trẻ

Trung Tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM ghi nhận trong cơn mưa 21/6 đã gây ngập ở khu vực quận 2, Bình Thạnh, Gò Vấp và một phần quận 12. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng luôn túc trực để ứng phó.

Trước đó, cơn mưa kéo dài hai giờ trải rộng khắp các quận huyện ở TP.HCM cũng khiến nhiều nơi bị ngập nặng, xe cộ tơi bời trong mưa gió, nhiều người chạy xe máy té sấp mặt trong dòng nước ngập...

Ứng dụng UDI của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM liên tục cảnh báo các điểm ngập Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, Bình Lợi… để người dân tránh.

Riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh được coi là rốn ngập tại TP.HCM nhiều năm nay. Dù thành phố chi nhiều tiền để chống ngập, từ đầu tư máy bơm "khủng", triển khai dự án nâng đường... nhưng hễ mưa xuống con đường này vẫn ngập sâu.

Hôm 3/6, mưa như trút nước khiến gười dân phải dắt bộ phương tiện, bì bõm lội qua dòng nước mênh mông như sông trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Thậm chí, đoạn dưới chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh có thời điểm ngập hơn nửa mét khiến người dân phải vất vả lội nước, giao thông tê liệt.

Tuy nhiên, trả lời báo VietNamNet vào thời điểm đó, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung - chủ 'siêu máy bơm' chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh cho biết máy bơm 'đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ'.

Theo ông Cường, do cốt nền thấp nên khi mưa lớn trong thời gian dài, nước từ các khu vực xung quanh như đường Điện Biên Phủ (khu vực ngoài phạm vi chống ngập của đơn vị) đổ dồn về khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh nhanh chóng ngập nặng.

"Theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, sau khi hết mưa 30 phút mà trên đường vẫn còn ngập trên 10cm được xem là ngập nhẹ, trên 20cm là ngập vừa và trên 30cm là ngập nặng. Tuy nhiên, chiều 3/6 lúc 16h30 hết cơn mưa, 15 phút sau tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh trong phạm vi đơn vị chống ngập đã hút sạch nước. Như vậy, hệ thống máy bơm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", ông Cường khẳng định.

Cũng theo ông Cường, khu vực ngập ở chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh nằm ngoài phạm vi chống ngập của công trình 'siêu máy bơm' đang hoạt động nhưng vẫn ảnh hưởng đến hệ thống máy bơm. Khu vực này có địa hình trũng, nước khoảng 2/3 thân cống này chảy về khu vực máy bơm.

"Hệ thống thoát nước bị võng, nước không thể chảy hết xuống hệ thống cống nên ngập. Đoạn này trước đây chúng tôi có đặt vấn đề với thành phố là chống ngập luôn. Tuy nhiên, TP cho biết đoạn này đã có gói dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh", ông Cường thông tin thêm.

Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, tính từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 6/2020, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện 21 trận mưa, trong đó có 3 trận mưa có vũ lượng trên 70mm trong 2 giờ; đặc biệt ngày 27/5/2020 đã xuất hiện trận mưa có vũ lượng 112,3mm (đo được tại Trạm Quang Trung), gây ngập tại 22 tuyến đường như: Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Nguyễn Văn Quá. Chiều sâu ngập trung bình từ 0,1m đến 0,3m, thời gian nước rút từ 15 phút đến 40 phút.

So với những năm 2018, 2019, với vũ lượng cơn mưa đạt lớn hơn 100mm, Thành phố xuất hiện tương ứng 43, 36 tuyến đường ngập với chiều sâu ngập trung bình từ 0,1m đến 0,3m; thời gian nước rút từ 15 phút đến 210 phút, ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện lưu thông các phương tiện, đời sống người dân tại khu vực các tuyến đường ngập; đối chiếu với những năm về trước như 2008, Thành phố xuất hiện 126 tuyến đường bị ngập. Từ đó, đối với công tác xóa, giảm ngập trên địa bàn Thành phố đã được cải thiện qua từng năm về cả 3 mặt: số lượng tuyến đường ngập, thời gian ngập, độ sâu ngập.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, theo dự báo, TP.HCM là một trong 10 thành phố bị ảnh hưởng nhiều do biến đổi khí hậu, do đó việc kiểm soát vấn đề ngập cần sự nỗ lực lâu dài của các cấp chính quyền, nhiều ngành, lĩnh vực cũng như sự chung tay của toàn thể người dân thành phố.

Minh Thái(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-hay-mua-bat-ngo-ron-ngap-nguyen-huu-canh-ra-sao-3409185/