TP. HCM: Hàng loạt lô cốt, rào chắn 'trơ gan cùng tuế nguyệt'

TP. HCM đang có 123 vị trí có lô cốt, rào chắn trên 60 tuyến đường, gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Đáng chú ý, có rất nhiều lô cốt được đã được dựng vài năm nhưng không có dấu hiệu xê dịch.

Lô cốt, rào chắn ảnh hưởng giao thông các tuyến đường.

Lô cốt, rào chắn ảnh hưởng giao thông các tuyến đường.

Theo ghi nhận của VietnamFinance, tình trạng rào chắn trên các tuyến đường tại TP. HCM đã diễn ra nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Một điển hình là dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 2. Dự án này được triển khai từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành sau bốn năm. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn còn dang dở với nhiều vị trí rào chắn. Cụ thể, trên đường Võ Văn Kiệt có bốn vị trí có rào chắn, khu vực Bến Vân Đồn có năm vị trí, tại đường Hồng Bàng (quận 6) cũng xuất hiện rào chắn, gây bức xúc cho người dân.

Một ví dụ khác là khu vực đường Phạm Thế Hiển - Cao Lỗ cũng đã được rào chắn khoảng hai năm nay. Việc rào chắn đã làm thu nhỏ mặt đường, khiến người dân chật vật di chuyển.

Ngoài ra, tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1 và quận Bình Thạnh), số rào chắn của dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc kinh doanh của nhiều hộ dân.

Theo Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP. HCM, tính đến tháng 7, toàn thành phố có 123 vị trí rào chắn, tăng 12 vị trí so với năm ngoái. Phần lớn số rào chắn tập trung trên một số tuyến đường ở quận 2, quận 4 và quận 8.

Đáng chú ý, cùng với rào chắn, tình trạng vi phạm các quy định về thi công vẫn xảy ra phổ biến tại TP. HCM, đặc biệt là việc thi công không giấy phép hoặc thi công khi giấy phép đã hết thời hạn.

Tại một số công trình, đơn vị thi công để đất cát, bùn đất vương vãi hay xả nước trực tiếp ra đường như dự án nâng cấp đường Lê Văn Chí, dự án hầm chui An Sương…

Một số chủ đầu tư khác lại tập kết vật liệu trên vỉa hè mà không có tấm lót, vận chuyển vật tư làm rơi vãi ra đường, tái lập mặt đường nhếch nhác không đủ điều kiện cho xe lưu thông.

Ngoài ra còn có tình trạng thi công dàn trải trên diện rộng nhưng nhà thầu không có các giải pháp rào chắn, đảm bảo an toàn giao thông như gói thầu G, gói thầu K, đường Tô Ký, đường Đặng Thúc Vịnh…

Hầu như quận huyện nào tại TP. HCM cũng có dự án sửa chữa, nâng cấp đường. Ghi nhận tại một số tuyến đường cho thấy khi có lô cốt dựng lên, việc lưu thông gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn khu vực chỉ dành đúng một làn đường vừa đủ một ô tô nhỏ chạy qua. Khi có ô tô di chuyển trên đường, toàn bộ xe máy phải len lỏi, luồn lách chạy lên vỉa hè dẫn đến tai nạn giao thông với người đi bộ.

Điều đáng nói là có rất nhiều lô cốt đã được dựng vài tháng, thậm chí là vài năm mà vẫn không có dấu hiệu xê dịch, mặc cho người dân than trời kêu đất.

Ghi nhận của VietnamFinance cho thấy phần lớn mặt bằng các tuyến đường được nâng cấp sửa chữa, sau khi hoàn thành đều không đảm bảo yêu cầu, vẫn còn tình trạng chênh lệch độ cao, lồi lõm giữa mặt bằng cũ và đoạn được sửa chữa. Các chỗ đào mà đơn vị thi công tái lập đều gồ ghề, lồi lõm gây không ít khó khăn cho người lưu thông.

Tại TP. HCM, sau những cơn mưa lớn, nước ngập đường nên người đi đường bị sập “ổ gà”. Các loại tôn, sắt vứt ngổn ngang, bừa bãi, các hố công trình đều là những chiếc bẫy rình rập người đi đường.

Theo Thanh tra Sở GTVT TP. HCM, 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra các dự án thi công trên các tuyến đường. Mặc dù đã có nhiều biện pháp chế tài xử phạt, tuy nhiên tình trạng các lô cốt kéo dài vẫn còn tồn đọng, do các chủ đầu tư dự án chậm trễ, chây ì trong việc triển khai. Thực trạng tập kết vật tư, phân luồng giao thông, rào chắn… khi thi công các dự án không đúng quy định vẫn thường xuyên và phổ biến.

Trần Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tp-hcm-hang-loat-lo-cot-rao-chan-tro-gan-cung-tue-nguyet-20180504224243273.htm