TP.HCM hăng hái xin làm tuyến metro 2,2 tỷ mới

Metro số 1 vừa được giải cứu, metro số 2 phải hoãn đến 2020, TP.HCM lại tiếp tục đề xuất metro số 3a.

Nhiều tờ báo dẫn thông tin cho biết, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất xin dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a Bến Thành – Tân Kiên.

Metro số 1 đã xong một số hạng mục nhưng đang gặp khó khăn về vốn. Ảnh: Zing

Metro số 1 đã xong một số hạng mục nhưng đang gặp khó khăn về vốn. Ảnh: Zing

Dự án có tổng đầu tư lên tới 2,2 tỷ USD, với chiều dài 19,8 km. trong đó 9,7 km đi ngầm, 10,1 km đi trên cao.

Suất vốn đầu tư của tuyến này là 110,23 triệu USD/km, cao hơn tuyến metro số 1 (97 triệu USD/km).

Theo thuyết trình của TP.HCM, suất vốn đầu tư trên đã được tính toán phù hợp dựa trên các đự án đang triển khai.

Tổng mức đầu tư cũng đã được tính đầy đủ cơ cấu thành phần các chi phí của dự án và các khoản mục chi phí theo quy định của pháp luật, bao gồm các chi phí xây dựng, lắp đặt và mua sắm thiết bị; chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn; chi phí dự phòng; lãi suất trong thời gian thi công.

"Việc xây dựng tuyến metro số 3a kết nối với tuyến metro số 1 sẽ hình thành đường sắt đô thị xuyên tâm, tạo sự thuận tiện cho hành khách và nâng cao hiệu quả đầu tư cho tuyến metro số 1", báo cáo của UBND TP.HCM nói rõ.

TP.HCM cũng cho biết, Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ phần hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện nghiên cứu, rà soát báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án xây dựng tuyến metro số 3a. Báo cáo này đã hoàn tất vào tháng 3.

Đề xuất trên đưa ra trong điều kiện metro số 1 bị chậm tiến độ vì "đói vốn", tuyến metro số 2 phải hoãn đến 2020 khiến dư luận đặt nghi vấn TP.HCM đang "chạy dự án".

Trước đó, TP HCM đã phải xin điều chỉnh mức đầu tư tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương từ 1,3 tỷ USD lên hơn 2,1 tỷ USD, tăng thêm 800 triệu USD.

Dự án được phê duyệt từ 7 năm trước đó, nhưng do không thể xoay trở được nguồn vốn, cuối cùng TP.HCM đã phải có văn bản khẩn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với việc xin điều chỉnh tăng vốn, chính quyền thành phố cũng đề nghị lùi thời hạn hoàn thành dự án tuyến metro số 2 đến năm 2024, thay vì vào năm 2018 như kế hoạch trước đây.

Cũng lâm vào tình trạng "đói vốn", chậm tiến độ, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vừa phải nhờ tới Quốc hội quyết định điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên tới 87%, từ 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng).

Hàng loạt những vấn đề như đội vốn quá cao, nguồn vốn ODA rót về không đủ, mắc kẹt trong thanh quyết toán với các nhà thầu phụ…, khiến Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM phải chịu áp lực lớn. Về các bộ ngành và địa phương cũng vướng phải những tranh cãi, không thống nhất được hướng xử lý.

Cho tới nay, Chính phủ cũng mới đưa ra được giải pháp tháo gỡ trước mắt, bằng cách cho TPHCM ứng trước vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để thực hiện tuyến metro số 1 theo tiến độ.

TP.HCM ứng hơn 1.000 tỷ trả nhà thầu metro số 1

Về phía TP.HCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đồng ý tạm ứng hơn 1.100 tỷ đồng ngân sách để trả nợ nhà thầu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trong khi nguồn vốn ODA từ Trung ương bị đóng băng. Giải pháp lâu dài vẫn chưa được đưa ra.

Tương tự, tại tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) cũng không ngoại lệ khi đăng ký danh mục dự án ODA chỉ ước khoảng 833 triệu euro.

Tuy nhiên tổng mức đầu tư dự án đã cao hơn tới 87%, lên 1,563 tỉ euro sau khi dự án được giao cho phía tư vấn Tây Ban Nha làm lại thiết kế, tính toán kỹ lưỡng, thuê cả tư vấn thẩm tra của Hà Lan thẩm định.

Rõ ràng, việc điều chỉnh đội vốn hàng loạt dự án metro có tổng vốn đầu tư lớn sẽ là thách thức rất lớn tới nguồn ngân sách quốc gia. Quan trọng hơn, nếu tính toán không tốt sẽ dẫn tới sự lãng phí, không hiệu quả.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-hang-hai-xin-lam-tuyen-metro-22-ty-moi-3347337/