TP.HCM gọi đầu tư các giải pháp chống ngập

Chống ngập và xử lý nước thải là những vấn đề vô cùng nan giải đối với TP.HCM. Tại Hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải, diễn ra ngày 9/8/2018 tại TP.HCM, các vấn đề này một lần nữa được đem ra bàn thảo, hầu mong sớm tìm ra lối thoát.

Nhu cầu vốn cho chương trình chống ngập giai đoạn 2016 - 2020 của TP.HCM khoảng 73.411 tỷ đồng

Ngập vì phát triển đô thị không đúng

Phát biểu tại Hội nghị, ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam nhấn mạnh, TP.HCM đang bị sụt lún. Dự tính mỗi năm, mặt đất sụt lún 7 cm, mức độ sụt lún đang tăng nhanh mỗi năm. Đây là một hồi chuông báo động vì nó không đơn giản là một vấn đề mà còn là mối đe dọa hiện hữu đối với Thành phố và người dân. Vì vậy, trong hoạt động đầu tư, ưu tiên hàng đầu là giảm nhanh việc khai thác nước ngầm. Thứ hai, đầu tư để đảm bảo Thành phố không phát triển về phía biển. Thứ ba, đầu tư vào việc kết nối các nền tảng chủ chốt của TP.HCM.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, nguyên nhân gây ngập có nhiều, nhưng việc phát triển đô thị không đúng cũng gây ra tình trạng ngập nước. Đây là một bài học phát triển đô thị về hướng biển, về phía Nam, nếu không cân nhắc kỹ sẽ gây lún sụp. TP.HCM là một đô thị chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, việc giải quyết ngập ở từng vị trí phải xác định rõ ở từng nguyên nhân để có giải pháp cụ thể.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết, các công trình chống ngập và xử lý nước thải tính đến nay chưa đủ để đảm báo ứng phó với các tác động biến đổi khí hậu và hệ lụy là người dân còn khổ sở vì ngập mỗi khi mưa lớn, triều cao và nhiều khả năng tình hình sẽ có thể xấu hơn nếu Thành phố không đầu tư kịp thời các công trình ứng phó. Bởi vì, các chuyên gia cảnh báo, TP.HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

TP.HCM đến nay chỉ hoàn thành 3 dự án cải tạo kênh rạch, xây dựng được 3 nhà máy xử lý nước thải, cống thoát nước chỉ được khoảng 4.000 km trong tổng số khoảng 6.000 km cần xây dựng, nạo vét khoảng 60 km trục thoát nước, xây dựng 26 km đê bao ven sông Sài Gòn chống ngập cho quận Bình Thạnh, Hóc Môn, Quận 12, trong khi đê bao ven sông cần xây dựng lên đến hàng trăm km.

17 dự án PPP chống ngập

Chương trình giảm ngập là 1 trong 7 chương trình đột phá của TP.HCM trong giai đoạn 2016 - 2020 có tổng nhu cầu vốn lên đến 96.327 tỷ đồng. Trong đó, đã triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015 với tổng vốn 22.948 tỷ đồng. Hiện nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 73.411 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách Thành phố chỉ có thể bố trí 16.400 tỷ đồng, còn lại rất cần kêu gọi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.

Trên cơ sở các dự án và dự kiến nguồn vốn triển khai giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào 17 dự án thuộc Chương trình chống ngập nước TP.HCM bằng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Trong đó, có 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải (tổng mức đầu tư dự kiến 45.500 tỷ đồng); 6 dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch (tổng mức đầu tư dự kiến 19.640 tỷ đồng); 3 dự án đê bao cùng các cống kiểm soát triều (tổng mức đầu tư dự kiến là 5.722 tỷ đồng); và 1 dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho hay, các dự án này sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TP.HCM và một phần của 5 lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường Thành phố. Vì vậy, chính quyền Thành phố mong muốn các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra giải pháp, đầu tư các dự án theo hình thức PPP một cách hiệu quả nhất.

Ngô Ngãi

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/tphcm-goi-dau-tu-cac-giai-phap-chong-ngap-76416.html