TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế: Làn gió mới từ doanh nghiệp

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, từ thực tiễn phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới cho thấy chính doanh nghiệp, doanh nhân đã tạo nên 'một làn gió mới' cho sự phát triển của thành phố.

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm dụng cụ cầm tay đến khách tham quan tại Vietnam Expo 18. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm dụng cụ cầm tay đến khách tham quan tại Vietnam Expo 18. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Theo đó, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã xác định “xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.”

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, từ thực tiễn phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới cho thấy chính doanh nghiệp, doanh nhân đã tạo nên “một làn gió mới” cho sự phát triển của thành phố.

Chiến sỹ kinh tế xung kích

Với trên 440.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54,7% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thành phố trở thành điểm sáng về khởi nghiệp; trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là một bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của thành phố.

Đặc biệt, từ sự liên kết chặt chẽ, doanh nghiệp, doanh nhân đã cùng nhau tiến xa hơn và phát triển mạnh hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố mong muốn doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa để ủng hộ và hỗ trợ cho phòng chống đại dịch COVID-19 và đồng hành cùng chính quyền thành phố thực hiện mục tiêu kép.

Đồng thời, doanh nhân, doanh nghiệp là một trong những chiến sĩ xung kích trên mặt trận kinh tế, nắm bắt nhanh cơ hội trong thách thức, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để ứng phó với những tình huống phát sinh, góp phần đưa kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia kinh tế, có 3 vấn đề quan trọng hàng đầu mà doanh nghiệp, doanh nhân cần quan tâm trong bối cảnh hiện nay là nghĩ lớn, làm cụ thể với tầm nhìn đủ dài, đủ sâu song thực thi phải cụ thể, quyết liệt.

Doanh nghiệp, doanh nhân cần hiện thực hóa chiến lược gắn chuyển đổi số với quản trị sản xuất kinh doanh, trong đó người quản lý doanh nghiệp phải tiên phong và giữ đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, tái cấu trúc công ty...

Bởi trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tăng trưởng kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ sẽ nhường chỗ cho nền kinh tế tăng trưởng dựa vào hàm lượng công nghệ cao.

Chính vì vậy, doanh nghiệp, doanh nhân muốn phát triển bền vững không còn con đường nào khác là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đi đôi với bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực quản trị và có tầm nhìn chiến lược với những bước đi cụ thể.

Ngoài ra, từng doanh nghiệp, doanh nhân phải mạnh dạn đổi mới, có khát vọng vươn lên, dám dấn thân, tạo sự khác biệt và độc đáo trong sản phẩm, dịch vụ. Đây có thể xem là một trong những con đường ngắn nhất để doanh nghiệp tỏa sáng trên thương trường thế giới.

Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hình thành được một lực lượng doanh nghiệp chất lượng cao được dẫn dắt bởi đội ngũ doanh nhân trí thức có tài, có tâm và tầm đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thương trường quốc tế.

Về phía hiệp hội, bà Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh (YBA) cho rằng, doanh nhân trẻ cần được tham gia vào các tổ tư vấn, tổ công tác trong các dự án mang tính trọng điểm về cải thiên môi trường kinh doanh, cũng như những chương trình phát triển ngành nghề kinh doanh, mô hình kinh doanh mới của thành phố.

Đồng thời, để phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế đối thoại định kỳ, tạo điều kiện cho đội ngũ này nêu ý kiến, hiến kế, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Đơn cử, doanh nghiệp, doanh nhân có thế mạnh và là đội ngũ tiên phong trong hoạt động thúc đẩy đầu tư và hợp tác kinh tế, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Tuy nhiên, muốn phát huy thế mạnh này, doanh nghiệp, doanh nhân phải có cơ chế tham gia vào đoàn công tác hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin về định hướng thị trường trọng điểm trong hoạt động thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Trên thực tế, cơ chế chính sách đối thoại không chỉ là giải pháp mà còn là một minh chứng cho tinh thần lắng nghe và thấu hiểu giữa Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và những nguồn lực chủ chốt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, một đội ngũ công chức với tinh thần thấu hiểu và tận tâm sẽ hướng dẫn doanh nghiệp làm sao cho đúng, cho nhanh và có hiệu quả hơn.

Đi đầu đổi mới sáng tạo

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế.

Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết tâm sẽ là đô thị tạo động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Doanh nghiệp giới thiệu đa dạng đồ dùng gia đình tại Hội chợ Khuyến mại năm TP.HCM 2020. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Hơn thế nữa, Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2025 GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD; năm 2030 là 13.000 USD và 2045 là 37.000 USD.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số, nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, nhất là trong năm 2021 sẽ thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo nhằm thể hiện sự chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Điều này đòi hỏi hầu hết sở, ngành, doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngay từ bây giờ, đặc biệt đi đầu đổi mới sáng tạo, chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số.

Bà Trần Phương Ngọc Thảo - Giám đốc chuyển đổi số Công ty cổ phần Vàng bạ đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra đến nay, đã xuất hiện dòng chảy chất xám ngược khi có nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, doanh nhân, nguồn nhân lực chất lượng cao... trở về Việt Nam.

Lực lượng này đã và đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, nhất là khởi nghiệp ở những lĩnh vực khoa học công nghệ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao.

Chính vì vậy, bà Trần Phương Ngọc Thảo đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh cần tạo cơ chế chính sách và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp, doanh nhân, nguồn nhân lực chất lượng cao... có cơ hội khởi nghiệp công nghệ hay trở thành vùng đất lành chào đón làn sóng đầu tư này.

Vấn đề quản lý nguồn tài sản trí tuệ là một trong những bài toán thách thức nhiều quốc gia trên toàn cầu, chứ không chỉ tại Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, nên phải có những cơ chế chính sách hiệu quả để khai thác hiệu quả nguồn tài sản trí tuệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến chuyển đổi số, ông Lại Đức Nhuận - Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ Atalink cho hay, Thành phố Hồ Chí Minh nên trở thành đầu mối chủ chốt trong liên kết vùng và phát triển sản phẩm công nghệ.

Cùng đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị cho ngành nghề, lĩnh vực tiềm năng.

Hiện những đề án, chương trình liên kết của Thành phố Hồ Chí Minh chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng doanh nghiệp như ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, xác định những sản phẩm, dịch vụ chủ lực...

Vì vậy, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cả chính quyền và doanh nghiệp, doanh nhân để xây dựng những chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao.

Còn ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam chỉ ra rằng, với nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thuộc những ngành nghề, lĩnh vực mới nên một số bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước còn "lúng túng" trong việc cấp duyệt.

Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu kinh tế nên phát huy năng lực trở thành đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp làm việc với Bộ, ngành để thúc đẩy những ngành nghề, lĩnh vực này.

Làn sóng khởi nghiệp không còn xa lạ đối với thị trường Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chưa có những kết quả thực tế đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chưa như mong đợi.

Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế chính sách để doanh nghiệp đầu ngành, doanh nhân lớn đầu tư vào khởi nghiệp, đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp, gọi vốn, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo.../.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tphcm-giu-vung-vai-tro-dau-tau-kinh-te-lan-gio-moi-tu-doanh-nghiep/707729.vnp