TP.HCM: Giáo viên có thể giãn tiến độ thực hiện chương trình đầu năm học

Ngày 5/10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có thông báo về kết luận chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP tại hội nghị xây dựng kế hoạch giáo dục cấp tiểu học năm học 2020-2021.

Học sinh lớp 1 tại TP.HCM trong ngày tựu trường năm học 2020-2021. Ảnh minh họa: Tuấn Anh

Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng GD-ĐT, các cơ sở GD tiểu học cần phải xác định chương trình GDPT 2018 là cơ hội để đổi mới toàn diện; cần tranh thủ mọi nguồn lực, nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức, khó khăn ban đầu, nhất là cấp tiểu học-cấp đầu tiên triển khai, nhằm thực hiện chương trình GDPT 2018. Các cơ sở GD đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho phụ huynh học sinh về mục tiêu GD tiểu học trong chương trình GDPT 2018.

Đẩy mạnh phân cấp quản lí, tăng quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch GD, đi đối với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ sở GD.

Các cơ sở giáo dục tiểu học, căn cứ thông tư số 28 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 4/9/2020 về điều lệ trường tiểu học, xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các kế hoạch trong năm học.

Sở cũng khẳng định, giáo viên được quyền quyết định việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động dạy học, các nội dung dạy học và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chất lượng, hiệu quả giáo dục của từng học sinh trong lớp.

Sở GD-ĐT TP lưu ý các giáo viên tiểu học, tùy mức độ tiếp nhận của học sinh lớp mình, giáo viên sẽ chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, phân phối các tiết dạy trong từng giai đoạn (có thể khác nhau ở các lớp trong cùng một tổ, khối).

Đầu năm học, giáo viên có thể giãn tiến độ thực hiện chương trình và tăng thời lượng tiết dạy để vừa sức với học sinh của lớp.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP cũng yêu cầu giáo viên lớp 1 không được tạo áp lực, không phê bình, chê bai học sinh mà cần động viên, khuyến khích kịp thời, tạo động lực và hứng thú học tập cho học sinh.

Tăng cường việc gặp gỡ, trao đổi, phối hợp với phụ huynh để cùng nhau giúp học sinh làm quen, hòa nhập với môi trường học tập, lớp học mới, nền nếp học tập và sinh hoạt trại trường. Hỗ trợ cho phụ huynh có con em còn tiếp thu bài chưa mong muốn, tuyệt đối không bắt ép việc dạy thêm, học thêm.

Riêng đối với môn Tiếng Việt lớp 1, giáo viên có thể phân phối tiết dạy theo hướng tăng thêm thời lượng ở phần âm, vần để rèn thêm kỹ năng đọc, viết cho học sinh.

Sở khuyến khích giáo viên làm nhật kí giảng dạy để ghi nhận những vấn đề còn vướng mắc hay khó khăn khi thực hiện chương trình, SGK, đề xuất nhà trường, phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT, để các bộ môn làm chuyên đề. Qua đó, gửi ý kiến tổng hợp về phòng GD tiểu học Sở khi thực hiện sơ kết và tổng kết để báo cáo cho Bộ GD-ĐT và chuyển cho Nhà xuất bản để điều chỉnh lại cho phù hợp khi tái bản.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tphcm-giao-vien-co-the-gian-tien-do-thuc-hien-chuong-trinh-dau-nam-hoc-e1kcz6KGR.html