TP.HCM: Giá hàng bình ổn thấp hơn thị trường 10%

Ngày 5/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương và Sở Y tế đã tổ chức ký kết cam kết với các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2012 và Tết Quý Tỵ năm 2013.

Ngày 5/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Công Thương và Sở Y tế đã tổ chức ký kết cam kết với các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2012 và Tết Quý Tỵ năm 2013.

CôngThương - Tại buổi ký kết, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thành phố triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2012 và Tết Quý Tỵ năm 2013 thông qua việc khởi động đồng loạt 4 chương trình bình ổn thị trường gồm lương thực-thực phẩm, dược phẩm, sữa và sản phẩm phục vụ mùa khai giảng trong tháng 4/2012.

Theo chỉ tiêu của thành phố, số lượng hàng hóa lương thực-thực phẩm tham gia bình ổn trong từng tháng phải chiếm 25-30% nhu cầu thị trường: gạo 5.650 tấn, đường 2.470 tấn, dầu ăn 1.005 tấn, thịt lợn 3.950 tấn, thịt gia cầm 3.150 tấn, trứng gia cầm 24 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.315 tấn, rau củ quả 1.700 tấn, thủy hải sản 437 tấn. Dược phẩm thiết yếu phục vụ bình ổn gồm 13 nhóm thuốc sản xuất trong nước, đảm bảo số lượng đáp ứng 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu.

Tổng lượng của các sản phẩm sữa tham gia bình ổn thị trường cũng tăng 72% so với năm 2011, đạt 10.346,4 tấn/năm. Các sản phẩm phục vụ mùa khai giảng gồm tập học sinh 17,5 triệu quyển, đồng phục học sinh 590.000 bộ, cặp-balô-túi xách 670.000 cái.

Chương trình năm nay cũng có nhiều quy định được thay đổi, trong đó đáng chú ý là quy định về giá bán. Nếu những năm trước giá bán hàng bình ổn đến tay người tiêu dùng phải thấp hơn thị trường từ 10-15% thì năm nay chỉ cần thấp hơn từ 5-10% đồng thời, doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh giá bán so với giá đã đăng ký liền trước đó, khi các chi phí đầu vào và giá nguyên liệu sản xuất biến động ở mức tăng 10% hoặc giảm 5%, chứ không cần đợi đến mức 15% như năm 2011.

Về điều kiện vay vốn của chương trình cũng bổ sung thêm quy định đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện chế độ bảo đảm vốn vay (bảo lãnh, thế chấp) và số vốn vay không vượt quá vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Hiện nay, chương trình thu hút gần 50 doanh nghiệp tham gia (tăng 12 doanh nghiệp so với năm 2011), nhưng có đến 29 doanh nghiệp hoàn toàn không nhận vốn, 17 doanh nghiệp nhận vốn một phần/.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c225n20815/tphcm-gia-hang-binh-on-thap-hon-thi-truong-10.htm