TP.HCM dự kiến tăng nhiều loại thuế, phí

Sáng nay, HĐND TP.HCM khóa IX đã tổ chức kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ 7). Kỳ họp này HĐND sẽ thông qua nhiều đề án quan trọng thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, cho biết, năm 2018 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Đồng thời, năm đầu tiên TP triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

“Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, có tính thời cơ cách mạng, đồng thời là trách nhiệm rất nặng nề của TP trong tổ chức thực hiện thí điểm với thời gian chỉ có 5 năm ”, bà Tâm nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu khai mạc kỳ họp

Chủ tịch HĐND TP cho hay, thí điểm thành công không chỉ tạo động lực cho phát triển của TP, mà còn đóng góp lớn hơn, nhiều hơn cho cả nước.

Cụ thể, sẽ đóng góp về nguồn lực, kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là vấn đề phân cấp, ủy quyền, tăng tính tự chủ về tài chính, tăng thẩm quyền cho chính quyền các cấp ở địa phương trong một số lĩnh vực.

Ngoài ra, kỳ họp sẽ giám sát chuyên đề thực hiện chương trình cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức dịch vụ công trên địa bàn TP.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền TP hướng tới chuyên nghiệp, minh bạch, nâng cao năng suất lao động, phục vụ nhân dân.

Kỳ họp cũng xem xét các tờ trình của UBND TP như quyết định các chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách TPHCM; quyết định mức thu phí tạm dừng, đỗ xe ô tô trên lòng đường; điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường; thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo tại kỳ họp

Kỳ họp cũng quyết định biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính và tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018 trên địa bàn.

Bên cạnh đó, theo bà Tâm, kỳ họp sẽ cho ý kiến về các vấn đề về đề án tinh giảm biên chế; ủy quyền cho sở ngành, thủ trưởng các sở - ngành, UBND quận - huyện; chủ tịch UBND quận - huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.

Bà Tâm yêu cầu, các đại biểu HĐND, các thành viên UBND, đại diện Thường trực HĐND, UBND các cấp tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến sâu sát, thiết thực vào các nội dung quan trọng mà chương trình kỳ họp đã đề ra.

“Việc này nhằm có những quyết định đúng, bám sát với yêu cầu thực tiễn, hợp lòng dân, phát huy cao nhất những cơ chế, chính sách được thí điểm để góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển TP”, Chủ tịch HĐND nói.

Thu phí đỗ xe cao nhất 170.000 đồng

Báo cáo tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố đề xuất thu phí dừng đỗ ôtô dưới lòng đường với mức cao hơn 20-25% giá giữ xe của các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng trên địa bàn và gần bằng giá ở Hà Nội, Đà Nẵng.

Cụ thể, TP.HCM dự kiến chỉ thu phí dừng đỗ ôtô từ 6 đến 24h, ngoài khung giờ này không phải đóng phí. Về mức cụ thể, UBND TP đề xuất thu 25.000-30.000 đồng cho một giờ đậu xe.

Do TP.HCM thay đổi phương thức thu, tính lũy tiến theo giờ nên những ôtô dừng đỗ lâu sẽ phải đóng phí cao hơn. Mức phí cao nhất 170.000 đồng mỗi ôtô trong 5 giờ đầu tiên.

Toàn cảnh kỳ họp HĐND TP.HCM

Mức phí cũng tính tăng lũy tiến theo giờ chứ không theo lượt như hiện nay và áp dụng cho hai nhóm: ôtô đến 9 chỗ; xe tải dưới 1,5 tấn và ôtô từ 10 chỗ; xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn.

Người đỗ xe thanh toán tiền thông qua hình thức nhắn tin trừ tiền trong tài khoản trong điện thoại, thẻ thanh toán quốc tế, thẻ thanh toán nội địa hoặc nộp qua trụ tự động. Theo tính toán, nếu đề án được thông qua, tính riêng 35 tuyến đường được phép đậu xe, mỗi tháng TP thu được khoảng 30 tỷ đồng.

Văn Bình

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tp-hcm-du-kien-tang-nhieu-loai-thue-phi-435905.html