TP.HCM dự chi gần 400.000 tỉ đồng phát triển giao thông công cộng

Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp với sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân giai đoạn 2021-2030.

Xe buýt vẫn giữ vai trò chủ lực trong vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM. Tuy nhiên, hiện hoạt động của xe buýt đang gặp khó vì thiếu kinh phí

Xe buýt vẫn giữ vai trò chủ lực trong vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM. Tuy nhiên, hiện hoạt động của xe buýt đang gặp khó vì thiếu kinh phí

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 393.792 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 47.644 tỉ đồng để triển khai Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TP.HCM.

Theo Sở GTVT TP.HCM, nhiều năm qua TP đã có từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Qua đó, chất lượng dịch vụ giao thông công cộng từng bước phát triển khi phương tiện VTHKCC được đầu tư, luồng tuyến trả đón khách được phân bổ hợp lý hơn, chính sách trợ giá xe buýt cũng tốt hơn...

Tuy nhiên, TP.HCM đang đứng trước khó khăn là lượng phương tiện cơ giới tăng nhanh, VTHKCC đạt tỉ lệ thấp. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường không khí tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải gia tăng.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án phát triển VTHKCC cho TP.HCM giai đoạn tới là hết sức cần thiết. Bởi theo Sở GTVT, trong giai đoạn trước mắt, VTHKCC bằng xe buýt vẫn giữ vai trò quan trọng cho đến khi các hệ thống metro, monorail... hình thành theo quy hoạch (dự kiến sau năm 2030).

Theo Sở GTVT TP.HCM, giai đoạn tới TP sẽ tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống VTHKCC để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đạt 15 % nhu cầu đi lại vào năm 2025 và 25 % nhu cầu đi lại vào năm 2030 .

Các giải pháp theo Sở GTVT TP.HCM sẽ được sắp xếp theo từng nhóm. Cụ thể, nhóm giải pháp tăng cường VTHKCC sẽ gồm: Phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP đến năm 2030; Tập trung ưu tiên mạnh mẽ nguồn lực đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác tối thiểu tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 5 và 1 tuyến xe buýt nhanh BRT.

Kế đến là đầu tư và đưa vào khai thác tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành đồng bộ với tiến độ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Vấn nạn kẹt xe cùng thiếu kinh phí trong trợ giá cho hệ thống xe buýt là bài toán TP.HCM vẫn đang tìm lời giải

Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng của Sở GTVT TP.HCM giai đoạn tới cần một số tiền không nhỏ, với vai trò chủ đạo vẫn là xe buýt. Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM đang phải đối mặt "bài toán" khó khi mới đây nhiều hợp tác xã vận tải xe buýt tại TP.HCM đã cùng nhau ký vào đơn kiến nghị khẩn cấp để gửi đến HĐND, UBND TP.HCM về khả năng phải tạm ngưng hoạt động từ ngày 15/8 vì thiếu kinh phí hoạt động.

Thừa nhận khó khăn hệ thống đang phải đối mặt, ông Nguyễn Văn Lèo- Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải TP.HCM cho biết: Hiện các doanh nghiệp vận tải xe buýt đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện các hợp tác xã vận tải xe buýt khác tại TP.HCM đang kiến nghị về việc phân bổ tiền trợ giá xe buýt chưa đầy đủ, kéo dài trong nhiều tháng qua.

"Đến nay, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng - Sở GTVT TP.HCM vẫn chưa ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp để phân bổ tiền trợ giá năm 2020. Khoản chi phí trợ giá phân bổ về cho các doanh nghiệp những tháng qua chỉ nhỏ giọt ở mức khoảng 50% của đơn giá năm 2019.

Việc thiếu hụt chi phí hoạt động đã khiến các xã viên không đủ chi phí vận hành và trả lãi ngân hàng tiền mua xe mới, trả lương nhân viên và nhiên liệu. Vì vậy, nếu các cơ quan chức năng không giải quyết sớm thì đến ngày 15/8, các hợp tác xã vận tải xe buýt sẽ không còn tiền trả lương, đổ dầu dẫn đến phải ngưng hoạt động" - ông Lèo cho biết.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tphcm-du-chi-gan-400000-ti-dong-phat-trien-giao-thong-cong-cong-20200708090451637.html