TP.HCM đối mặt với nguy cơ xe buýt trì trệ bằng cách nào?

Câu chuyện khó khăn của doanh nghiệp xe buýt đã khiến ngành giao thông TP.HCM đau đầu trong thời gian qua. Trước khi có những giải pháp toàn diện, những phương án nhỏ đã được sở Giao thông Vận tải TP.HCM triển khai để cứu vãn tình hình.

gn: center;">Phó Giám đốc sở GTVT TP.HCM nói về khó khăn của xe buýt.

Trước nhiều khó khăn về xe buýt được dư luận quan tâm, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM.

Quy định chưa theo kịp thực tế

Chỉ trong 1 tháng nhưng đã có 2 bản kiến nghị “kêu cứu” của các hợp tác xã (HTX) vận tải xe buýt gửi đến UBND TP.HCM. Vậy nguyên nhân là gì, thưa ông?

Hệ thống xe buýt của thành phố có 13 đơn vị, trong đó có 10 hợp tác xã. Khó khăn của xe buýt đã kéo dài với các vấn đề như hạ tầng, bến bãi. Đặc biệt, trong năm 2017 và 2018, các đơn vị vận tải xe buýt đã đưa vào khai thác xe mới với số lượng lớn.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn đang áp dụng các quy định cũ vì định mức đơn giá mới vẫn chưa được ban hành. Trước kia, mỗi chiếc xe buýt được đầu tư khoảng 1 tỷ đồng nhưng bây giờ đã đầu tư lên đến 3 tỷ đồng. Sự chênh lệch giữa mức đầu tư và mức hỗ trợ đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp vận tải xe buýt liên tục kêu cứu vì trợ giá.

Về hạ tầng giao thông, chúng tôi đã làm nhiều công trình để cải thiện việc đi lại nhưng nhiều khu vực vẫn là bài toán khó đối với xe buýt. Ngoài ra, các xe công nghệ như Grab phát triển mạnh cũng là một phần nguyên nhân.

Với khó khăn đó, giải pháp căn cơ đang được sở GTVT TP.HCM hướng đến là gì, thưa ông?

Chúng tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm với các đơn vị vận tải xe buýt. Khó khăn mới chồng chất với khó khăn cũ nên số lượng khách đi xe buýt giảm. Từ đó, doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm. Cộng thêm gánh nặng về lãi vay ngân hàng ngày càng lớn khiến họ có nhiều kiến nghị.

Phương hướng của sở GTVT TP.HCM là tập trung phối hợp với sở Tài chính để trình UBND TP sửa đổi, bổ sung đề án Đầu tư xe buýt giai đoạn 2014 -2017. Đồng thời, theo dõi chỉ đạo của UBND TP về đề án Tăng cường vận tải hàng khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Sự phối hợp giữa 2 sở với mong muốn tính đúng, tính đủ mức hỗ trợ các doanh nghiệp. Đồng thời, hệ thống quy định pháp luật để quản lý, đầu tư cho dịch vụ xe buýt cũng cần nghiên cứu để chỉnh sửa, bổ sung.

Tìm giải pháp trước mắt

Nhưng đến khi có quy định mới để giải quyết toàn diện thì trong thời gian trước mắt, sở GTVT sẽ làm gì, thưa ông?

Chúng tôi đã tổ chức, chỉ đạo để điều chỉnh lộ trình, số chuyến mỗi ngày trên các tuyến xe buýt. Thậm chí, một số chuyến đã tăng giá vé lên mức tối đa là 10.000 đồng theo quyết định của Giám đốc (ông Bùi Xuân Cường – PV).

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải TP.HCM. (Ảnh: Hà Nhân).

Quyết định này đã được nghiên cứu kỹ. Các tuyến đó đều có lượng hành khách ổn định với lộ trình dài, hệ số khai thác tốt. Việc tăng giá vé sẽ tăng doanh thu cho doanh nghiệp, điều chỉnh việc trợ giá. Và chắc chắn, cùng với giá vé cao thì đòi hỏi của hành khách về chất lượng phục vụ cũng sẽ tăng lên.

Theo ông, hoạt động quảng cáo có cần được đầu tư để trở thành giải pháp tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp?

Điều này rất khó nói vì tình hình chung của ngành quảng cáo là khó khăn. Việc quảng cáo trên xe buýt được chúng tôi chia thành 8 gói. Khi tổ chức đấu thầu, một nửa trong số đó thành công, được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Số còn lại thì không được quan tâm, ủng hộ.

Vì thế, chúng tôi đang đánh giá lại. Có lẽ vì thị trường quảng cáo giai đoạn này không được tốt nên cần chia lại gói thầu để linh hoạt hơn. Như trước đây mỗi gói thầu là 500 xe, chúng ta có thể chia nhỏ thành mỗi gói là từ 50 - 100 xe.

Thời gian cũng là cái khó khi UBND TP quy định thời hạn tối thiểu là 3 năm. Điều này gây khó cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chúng tôi sẽ đề xuất điều chỉnh linh hoạt từ 1 – 3 năm.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tp-hcm-doi-mat-voi-nguy-co-xe-buyt-tri-tre-bang-cach-nao-a408337.html