TP.HCM: Doanh nghiệp cơ khí kêu khó với lãnh đạo thành phố

Tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong với 30 DN cơ khí- điện ngày 18/7, đại diện Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM đã phản ánh nhiều khó khăn cản trở sự phát triển của ngành cơ khí trong nhiều năm qua.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Huế

Doanh nghiệp than khó

Cụ thể, theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí – điện TP.HCM, trước hết là chính sách thuế, DN NK máy móc nguyên chiếc thì được hưởng mức thuế 0% nhưng DN sản xuất trong nước NK linh kiện sản xuất thì phải chịu mức thuế 10%. Sự khập khiễng về thuế dẫn đến sự khập khiễng về giá thành sản phẩm, cộng với thương hiệu sản phẩm chế tạo tại Việt Nam không thể so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… đã dẫn đến thị trường tiêu dùng sản phẩm cơ khí doanh nghiệp nội bị hạn chế.

Bên cạnh đó, theo ông Tống, DN nội đang chịu sự đối xử không công bằng với DN FDI. Dễ thấy nhất là DN FDI được các cơ quan chức năng tìm mọi giải pháp hỗ trợ đất đầu tư nhà xưởng, cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Trong khi DN nội phải chật vật tự tìm đất sản xuất. Còn cơ chế hỗ trợ thì rất khó tiếp cận.

Hiện có rất nhiều DN không thể tìm được đất để mở rộng quy mô sản xuất. Có một số doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư tại khu công nghệ cao nhưng hiện chưa được xét duyệt vì lý do chờ thành phố thay đổi đơn giá đất. Thậm chí, có những đơn vị đầu tư tại Khu công nghiệp Cát Lái 17 năm nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận cho thuê đất…

Việc đầu tư thu hút FDI nhằm tạo điều kiện cho DN nội tham gia chuỗi cung ứng nhưng trên thực tế DN nội khó tham gia. Các DN FDI chỉ ưu tiên sử dụng sản phẩm thân hữu. Đơn cử, Samsung hiện đang chuẩn bị đưa 200 DN cung ứng đầu tư vào Việt Nam thay vì ưu tiên sử dụng sản phẩm cung ứng nội địa.

“Một thực tế cho thấy, các DN nội có khả năng cung ứng tham gia chuỗi toàn cầu không thể tiếp cận được DN FDI đầu cuối. Các DN FDI cũng tìm mọi cách để không tiếp cận và từ chối tiếp nhận sản phẩm của DN nội. Ngược lại, các DN FDI đầu cuối chỉ tìm đến những DN không có khả năng cung ứng hoặc cung ứng sản phẩm giản đơn. Do vậy, cùng với việc thu hút FDI, cần ràng buộc tỷ lệ sử dụng sản phẩm nội địa. Có như vậy, DN FDI mới buộc phải hợp tác với doanh nghiệp nội”, ông Tống đề xuất.

Tại cuộc họp các DN trong Hội Cơ khí – Điện cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc phát triển của các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước liên quan đến các chính sách về thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, hỗ trợ công nghệ đào tạo nguồn nhân lực...

Giải đáp ý kiến của DN, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, căn cứ trên tổng số DN cơ khí và vốn đầu tư đăng ký thì hiện toàn thành phố có khoảng 5.448 DN cơ khí. Bình quân vốn đầu tư đăng ký của một DN cơ khí có 9 tỷ đồng. Đây là quy mô không lớn, do vậy không thể ngăn đầu tư FDI. Vấn đề đặt ra DN nội cần xem xét chất lượng sản phẩm, uy tín doanh nghiệp và khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp để cùng tạo chuỗi liên kết.

Liên quan đến vốn, ông Sử Ngọc Anh cho biết, vốn kích cầu là tiền ngân sách. Do vây, sử dụng danh mục nào phải chính xác. Nếu sai danh mục, hạng mục thì sẽ bị kiểm toán, thanh tra "tuýt còi" và kho bạc không thể giải ngân...

Doanh nghiệp bị ngâm hồ sơ gần 2 năm

Ghi nhận các khó khăn của DN tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND.TP.HCM cho biết, khó khăn của DN chủ yếu vẫn là thủ tục hành chính quá nhiễu nhương, rườm rà, gây khó cho DN. Việc để hồ sơ DN bị ngâm gần 2 năm là quá dài. Trong thời gian qua, thành phố đang có nhiều nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, trì trệ. Vẫn còn hiện tượng các cơ quan chức năng đổ trách nhiệm qua lại với nhau gây phiền hà đến DN, người dân...

Vấn đề vướng mắc giữa sở Kế hoạch và đầu tư với các đơn vị chức năng khác trong việc giải quyết hỗ trợ vốn cho DN cần phải chủ động, không thể đổ vấn đề đó sang cho DN vì DN không có khả năng giải quyết. Còn cơ quan chức năng là đơn vị phục vụ DN. Nếu lấy lý do quy định không phù hợp thì không đúng với quan điểm là cơ quan chức năng là đơn vị phục vụ DN phát triến. DN tạo ra năng lực cạnh tranh của thành phố, còn chính quyền tạo ra môi trường.

Do vậy, về vấn đề vốn, các ngành chức năng cần rà soát và đề xuất để hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phát triển.

Về vấn đề hỗ trợ thị trường, thành phố đã ký kết với 50 địa phương của các quốc gia trên thế giới. Hiệp hội phải kết nối cùng chính quyền trong từng ngành nghề cụ thể. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm kiếm thị trường. Riêng thành phố sẽ tìm kiếm hỗ trợ DN xúc tiến tìm kiếm thị trường.

Về vấn đề công nghệ, 2% trong tổng chi ngân sách thành phố để cho công nghệ. Tuy nhiên, DN cần thấy vấn đề chất lượng sản phẩm trên nền tảng đổi mới sáng tạo là rất quan trọng. Thiết kế chế tạo chi tiết - tạo ra giá trị gia tăng lớn bởi đòi hỏi sáng tạo chất xám lớn. Kế đến gia công lắp ráp - phổ biến tại Việt Nam nên giá trị gia tăng không cao dù giá trị sản xuất lớn. Cuối cùng là phân phối. Ở công đoạn 1 cần đầu tư khoa học công nghệ, DN cần phải tính đến việc đổi mới, sáng tạo.

“Liên quan đến các kiến nghị của DN, đối với các trường hợp vượt thẩm quyền thì thành phố sẽ sẵn sàng kiến nghị trung ương để giải quyết. Thành phố cũng sẽ thay mặt DN kiến nghị trung ương giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuế.

Riêng với vấn đề thu hút đầu tư FDI, cần tranh thủ nguồn đầu tư nước ngoài thúc đẩy thanh phố phát triển, tuy nhiên sẽ thực hiện chọn lọc đầu tư. Tránh như trước đây, thu hút đầu tư thiếu tính toán nên gây những hệ quả xã hội, môi trường nghiêm trọng mà hiệu quả đầu tư không nhiều...”, ông Phong cho biết.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-doanh-nghiep-co-khi-keu-kho-voi-lanh-dao-thanh-pho.aspx