TP.HCM: Dinh Thượng thơ 'thoát' nguy cơ bị đập bỏ?

Dinh Thượng thơ được người Pháp xây dựng và hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa.

Hình ảnh Dinh Thượng thơ vào những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu

Hình ảnh Dinh Thượng thơ vào những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu

Trước ý kiến đóng góp, kiến nghị của một số chuyên gia và người dân, Sở Quy hoạch kiến trúc vừa có văn bản gửi UBND TP để khảo sát, đánh giá, bổ sung Dinh Thượng thơ (hiện là trụ sở Sở TT&TT TP.HCM) tại địa chỉ 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1 vào danh mục các đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị.

Trước đó thành phố đã lên phương án nâng cấp trụ sở UBND và HĐND (86 Lê Thánh Tôn, quận 1). Trong phương án này trụ sở Sở TT&TT sẽ phải đập bỏ để xây dựng công trình mới. Tuy nhiên khi đưa thiết kế này ra lấy ý kiến, một số người phản đối và đề nghị giữ nguyên Dinh Thượng thơ.

Theo báo cáo của Sở QHKT, có nhiều chuyên gia ủng hộ việc bảo tồn như KTS Ngô Viết Nam Sơn, Khương Văn Mười, Nguyễn Tấn Vạn.. Ngoài ra còn có một số tổ chức trong và ngoài nước cũng đề nghị bảo tồn công trình.

Tiếp nhận những phản hồi này, Sở QHKT kiến nghị thành phố tổ chức khảo sát để phân loại, bổ sung Dinh Thượng thơ vào danh mục các đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, đồng thời thu thập các tài liệu, hình ảnh để đề xuất giải pháp quản lý công trình.

Phó Giám đốc Sở Nguyễn Thành Toàn đề xuất việc tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia để xem xét sự cần thiết bảo tồn công trình và các giải pháp phù hợp.

Cũng theo Sở QHKT, dù Dinh Thượng thơ không thuộc các công trình trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa của thành phố, nhưng lại nằm trong danh sách vị trí các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử của đồ án quy hoạch 930ha khu trung tâm thành phố.

Một góc Dinh Thượng Thơ ngày nay. Ảnh: Bạch Dương

Dinh Thượng thơ được người Pháp xây dựng và hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa.

Sở QHKT cho rằng, hiện tài liệu về nguồn gốc hình thành cũng như quá trình sử dụng qua các thời kỳ còn tương đối đầy đủ. Đánh giá cho thấy kiến trúc và không gian công trình phản ánh phong cách theo lối dinh thự thời kỳ Pháp thuộc.

Công trình này có hình chữ U với mặt tiền quay ra đường Lý Tự Trọng. Dù đang được sử dụng nhưng bên trong đã có nhiều khu vực hư hỏng, dột nát, đặc biệt là các kết cấu bằng gỗ.

Nguyễn Cường

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tphcm-dinh-thuong-tho-thoat-nguy-co-bi-dap-bo-post269948.info