TP. HCM: Đến mùa mưa lại ngập

Cứ đến mùa mưa người dân sinh sống và làm việc tại TP.HCM lại lo âu thấp thỏm vì nhiều tuyến đường luôn trong tình trạng 'mưa lại ngập', mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, nhiều tài sản hư hỏng và cảnh tắc đường tái diễn thường xuyên...

Đến hẹn lại ngập

Bước vào đầu mùa, nhiều tuyến đường ở các quận, huyện trong TP lại tái diễn cảnh "cứ mưa là ngập". Những tuyến đường như: Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân); Phan Huy Ích, Dương Quảng Hàm, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); Nguyễn Xí, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Lương Định Của (quận 2); Xa lộ Hà Nội, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức); Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai (quận 9); Nguyễn Văn Quá (quận 12)…trở thành nỗi ám ảnh với người dân mỗi khi mùa mưa tới.

Cứ mưa lại ngập đã trở thành "đặc sản" ở TP HCM

Cứ mưa lại ngập đã trở thành "đặc sản" ở TP HCM

Điển hình như đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), Lương Định Của (quận 2), Huỳnh Tấn Phát (quận 7)... thường ngập sâu từ 0,5 – 1m mỗi khi mưa lớn, nước từ ngoài đường tràn vào nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt cũng như việc kinh doanh buôn bán của người dân.

Ông Trần Duy Hòa (ngụ trên đường Lương Định Của – Q.2) kể: “Mỗi khi mùa mưa tới, bà con sống trên đoạn đường này lại rất khổ sở. Đường ngập sâu, không có lối thoát, xe chạy qua, tạo thành sóng, nước tràn ào ào vào nhà, giống như cái hầm chứa nước vậy đó”.

Nước ngập tràn vào nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân

Nhiều người còn ví von “ngập là đặc sản của Sài Gòn”, cứ đến mùa mưa người dân lại biết cách chấp nhận “sống chung với lũ”, không còn lựa chọn nào khác. Nhiều nhà sắm máy bơm, chuẩn bị ván gỗ, bao tải cát, mưa ngập lại đưa máy ra bơm, lấy ván gỗ che chắn. Cứ thế sống hết mùa mưa này qua, mùa mưa khác.

Bà Trần Thị Hồng (ngụ tại đường Phan Huy Ích – Gò Vấp) than: “Hễ sắp có mưa lớn, tôi phải chủ động chất hết đồ đạc, vật dụng lên cao để tránh hư hỏng, chờ khi nào nước rút lại dọn dẹp. Nhịp điệu này cứ lặp đi lặp lại cho đến hết mùa mưa”.

Những biện pháp tạm thời của người dân như dùng máy bơm, ván gỗ che chắn mỗi khi nước tràn vào nhà.

Những điểm cao nhất ở TP.HCM mà người dân hài hước ví von "có nằm mơ cũng không thấy ngập" như đường Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, đường Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân thuộc quận Thủ Đức, Lê Văn Việt hay đoạn chân cầu Rạch Chiếc trên đường Xa Lộ Hà Nội thuộc quận 9. Những cơn mưa đầu mùa năm nay cũng bắt đầu xuất hiện điểm ngập, có đoạn dốc nước đổ xuống tạo thành vùng xoáy gây nguy hiểm cho người dân đi lại ở khu vực này.

Cơn mưa chiều ngày 18/6 vừa qua, đường Tô Ngọc Vân ( Q. Thủ Đức) ngập sâu đến cả mét, rác thải tràn ra ngoài, nhiều người sợ không dám đi qua, chuyến tàu Phan Thiết đi TP.HCM chậm gần một giờ đồng hồ do phải đợi nước rút.

Chống cứ chống, mưa vẫn cứ ngập

Theo con số thống kể của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (gọi tắt TTCN): Mùa mưa năm nay, trên địa bàn TP có 170 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường hoặc hẻm phân cấp do quận, huyện quản lý và 40 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường lớn; 9 điểm ngập do triều cường do TTCN giám sát và quản lý.

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc TTCN cho biết : "Sở dĩ tình hình ngập nước đang diễn biến ngày càng phức tạp là do tắc nghẽn dòng chảy vì tình trạng xâm hại đến hệ thống thoát nước như xây dựng lấn chiếm sông, kênh rạch; cửa xả, tuyến cống, miệng hầm ga thu nước của người dân tại khu vực thi công bị thu hẹp".

Cụ thể, hiện tại trên địa bàn TP có 55 vị trí lấn chiếm cửa xả ở 19 tuyến đường; 58 vị trí lấn chiếm sông, kênh rạch với tổng chiều dài gân 13km và 381 hầm ga, đường cống lấn bị chiếm ở 39 tuyến đường...khắp quận, huyện.

Thực tế, nhiều năm qua TP HCM đã và đang nỗ lực trong “cuộc chiến” chống, xóa ngập. Điển hình, hồi tháng 6/2016, TP HCM triển khai dự án “khủng” với việc xây dựng 6 cống kiểm soát triều cường và xây dựng 3 trạm bơm gồm trạm công suất 12 m3/s đến 48 m3/s với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Những dự án "khủng" chống ngập của TP HCM

Ngoài ra, TTCN cũng đang thực hiện 35 dự án chống ngập, 9 dự án sắp hoàn thành ở một số tuyến đường như An Dương Vương (Q.Bình Tân); Đỗ Xuân Hợp (Q.9); Bình Thạnh; Thủ Đức; Hóc Môn. Và có 11 dự án sẽ hoàn thành trong cuối năm nay. Những dự án này đi vào hoạt động sẽ góp phần xóa và giảm thiểu tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường ở một số địa bàn nhất định.

Từ năm 2010 đến nay, khi triển khai thực hiện chương trình chống ngập, những điểm ngập có giảm trong khu vực nội ô, nhưng lại tăng ở khu vực ngoại thành, với khoảng 30 điểm ngập mới.

Nhiều chuyên gia nhận định phương pháp chống ngập của TP HCM còn đầu tư dàn trải, manh mún bằng những biện pháp đơn giản như cải tạo đường cống thoát nước, nâng cấp đường, thay nắp cống,… mà chưa đánh giá nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, triều cường dâng cao cộng với mưa có vũ lượng tăng hàng năm, dường như “cuộc chiến” chống xóa ngập chẳng bao giờ đi đến hồi kết.

Sỹ Đồng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tp-hcm-den-mua-mua-lai-ngap-post231069.info