TP.HCM: Đề xuất quy định nhập sổ hộ khẩu phải 20m2 sàn/người

Theo đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM, diện tích nhà bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu vào nhà do thuê, ở nhờ, mượn của người khác tại TP.HCM phải là 20m2/người.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cùng nhiều cơ quan, đơn vị tại cuộc họp lấy ý kiến đánh giá tác động chính sách về đề xuất phải có 20 m2 sàn/người khi nhập hộ khẩu vào nhà ở thuê, mượn, ở nhờ tại TP do Sở Xây dựng đề xuất.

Hiện nay, diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký hộ khẩu thường trú vào nhà do thuê, ở nhờ, mượn là 5m2/người, bằng 1/4 diện tích so với mức đề xuất mới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng, hiện nay theo Luật Cư trú 2013 (có hiệu lực từ 1-1-2014) thì việc quy định diện tích bình quân nhà ở tối thiểu phải do HĐND TP quy định. “Do đó TP phải đưa ra con số trình HĐND TP thông qua để đảm bảo theo đúng quy định của Luật Cư trú”.

Nếu được TP chấp thuận thì đầu tháng 12 TP sẽ trình HĐND xem xét, thông qua trong kỳ họp cuối năm.

Cũng theo ông Hải, tính đến thời điểm này, Sở Xây dựng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành liên quan và đã có bốn lần dự thảo trình TP về diện tích bình quân này. Lý giải về con số 20 m2 sàn/người áp dụng chung trên toàn TP trong dự thảo lần 4, theo ông Hải là căn cứ vào chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân theo dự thảo chương trình phát triển nhà ở của TP giai đoạn 2016-2020 là 19,8 m2/người, năm 2025 là 22,8 m2/người. Đây cũng là chỉ tiêu theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP trong nhiệm kỳ trên đưa ra. Ngoài ra còn theo một số chỉ tiêu của Luật Nhà ở hiện hành. Được biết con số này tại Hà Nội là 15 m2 áp dụng cho toàn TP. Đà Nẵng là 20 m2 với các quận Hải Châu và Thanh Khê, các quận/huyện khác là 15 m2. Tại Cần Thơ là 20 m2 với quận Ninh Kiều, còn lại là 15 m2…

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, TP là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục nên quá trình phát triển đã thu hút số lượng lớn người lao động nhập cư từ các tỉnh, TP khác đến TP.HCM sinh sống, làm việc.

Việc tăng dân số góp phần giải quyết nguồn lao động trong quá trình phát triển nhưng đồng thời gây áp lực lớn cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP.

Đó là ùn tắc giao thông, trường học, bệnh viện quá tải, thiếu công trình công cộng, ô nhiễm môi trường...

Đặc biệt, tình trạng quá tải xảy ra nhiều ở khu trung tâm TP và những vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người dân.

Về diện tích tối thiểu bình quân 20m2/người, Sở Xây dựng cho biết đây là diện tích đã được Sở Tư pháp, Sở Xây dựng và Công an TP thống nhất lựa chọn.

Đại diện Công an TP cho hay quy định trên để kiểm soát, quản lý nhân khẩu và không làm ảnh hưởng đến nhà ở cũng như các vấn đề việc làm, đời sống của người dân. Đại diện Sở GD&ĐT cũng cho biết nhiều người dân lo lắng nếu chỉ đăng ký tạm trú thì không được giải quyết chuyện học cho con. “Tuy nhiên, bậc mầm non và tiểu học tại TP.HCM không bị ảnh hưởng bởi quy định thường trú hay tạm trú. Không phải vì học sinh có hộ khẩu thì được học, còn tạm trú thì không được học. Do đó, quy định diện tích tối thiểu không ảnh hưởng đến công tác GD&ĐT trên địa bàn TP”

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay quy định này để đảm bảo quản lý nhà nước về nhân khẩu, hộ khẩu, về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. Mặt khác cũng tạo điều kiện tốt để người dân có điều kiện nâng cao chất lượng về nhà ở, về việc học, việc làm cũng như sinh hoạt trong cuộc sống người dân. “Con số 20 m2/người áp dụng với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức. Những người tạm trú như ở trọ, lưu trú công nhân… không phải áp dụng quy định này như hiểu lầm lâu nay.

Do đó, quy định diện tích bình quân nhà ở tối thiểu 20 m2 sàn/người không gây xáo trộn đến cuộc sống của người dân” - ông Tuấn khẳng định. Theo ông, nếu được TP chấp thuận thì đầu tháng 12 TP sẽ trình HĐND xem xét, thông qua trong kỳ họp cuối năm.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tphcm-de-xuat-quy-dinh-nhap-so-ho-khau-phai-20m2-sannguoi-d85010.html