TP.HCM: Đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện mô hình cai nghiện tự nguyện tập trung

UBND TP.HCM vừa báo cáo sơ kết tình hình, kết quả công tác phòng, chống ma túy 6 tháng đầu năm và phương hướng trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Việc Chính phủ ban hành và thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về cách ly xã hội, nhiều điểm vui chơi giải trí như quán bar, vũ trường, khách sạn, beer club, karaoke... ngừng hoạt động. Do đó, người nghiện, người sử dụng ma túy đã chuyển hướng vào các địa điểm khác như: nhà riêng, nhà thuê, căn hộ cao cấp cho thuê hoặc các biệt thự ở những khu dân cư mới, những nơi có hệ thống âm thanh và cách âm tốt để sử dụng ma túy tổng hợp.

Qua thống kê, hiện nay, trên địa bàn TP có 25.870 người nghiện ma túy (tăng 2,9% so với cuối năm 2019). Trong đó, có mặt tại địa phương là 11.502 người (chiếm tỷ lệ 44,46%), đang cai nghiện ở tại cơ sở chữa bệnh là 13.237 người (chiếm tỷ lệ 51,1%), vi phạm pháp luật hình sự đang bị giam, giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ là 1.131 người (chiếm tỷ lệ 4,37%).

Các học viên được tạo điều kiện học nghề và lao động sản xuất tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng của Thành phố đã phát hiện 726 vụ, 1.713 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019 giảm 71 vụ, tỷ lệ 8,9% và 87 đối tượng, tỷ lệ 4,8%).

UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung đồng bộ Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định, được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính cho thống nhất với Luật Phòng, chống ma túy theo hướng người đang cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma túy thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải tiếp tục cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

UBND TP cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất việc bổ sung các chất ma túy mới vào Danh mục các chất ma túy phải được thực hiện liên tục, nhanh chóng.

UBND TP đề nghị Chính phủ cần phải có quy định xử lý kiên quyết các chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như bar, vũ trường, khách sạn... trong việc để cơ sở kinh doanh xảy ra các vi phạm liên quan ma túy, kể cả trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cho thuê địa điểm kinh doanh. Đề xuất chủ trương cho TP áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện mô hình cai nghiện tự nguyện tập trung đối với tất cả người nghiện trên địa bàn TP, để nhà nước, gia đình và xã hội cùng chung tay tham gia…

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, hiện toàn TP có 9 cơ sở cai nghiện ma túy được Sở Y tế TP công bố đủ điều kiện và cấp phát thuốc thay thế Methadone để tổ chức thực hiện Quyết định số 1103/QĐ-UBND. 1.991 cơ sở cai nghiên ma túy đã cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong quyết định của Tòa án. Ngoài ra, Sở cũng thành lập 131 Điểm Tư vấn để tư vấn, cung cấp thông tin về các dịch vụ cai nghiện ma túy, điều trị Methadone, phòng ngừa lấy nhiễm HIV/AIDS, phòng chống tái nghiện ma túy.

XT

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tphcm-de-xuat-ap-dung-co-che-dac-thu-thuc-hien-mo-hinh-cai-nghien-tu-nguyen-tap-trung-2020070609483405.htm