TP.HCM đề nghị sớm bàn giao các hạng mục bảo tồn cầu Bình Lợi cũ

Cầu đường sắt Bình Lợi cũ được xây dựng từ năm 1900, là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh và ngành đường sắt.

Sau hơn 100 năm khai thác, một phần cầu đường sắt Bình Lợi cũ sẽ được bản tồn để phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Sau hơn 100 năm khai thác, một phần cầu đường sắt Bình Lợi cũ sẽ được bản tồn để phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc khẩn trương thực hiện hoàn tất các hồ sơ, thủ tục về chuyển giao các hạng mục bảo tồn của cầu đường sắt Bình Lợi cũ; đồng thời trình cấp có thẩm quyền xét duyệt, chấp thuận cho Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp nhận tài sản theo quy định.

Tháng 9/2019, Bộ Giao thông Vận tải có công văn thống nhất theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về bảo tồn nguyên trạng 2 nhịp cầu (trong đó có 1 nhịp quay) và 1 tháp canh phía quận Thủ Đức nhằm lưu giữ dấu tích xưa của cầu đường sắt Bình Lợi, phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển du lịch của thành phố.

Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) chỉ đạo nhà đầu tư sau khi hoàn thành tháo dỡ công trình, bàn giao nguyên trạng 2 nhịp cầu đường sắt và 1 tháp canh cho Ủy ban Nhân dân thành phố để quản lý, bảo tồn theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay, thủ tục chuyển giao vẫn chưa được xem xét phê duyệt. Trong thời gian chờ thực hiện hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện công tác quản lý đối với các hạng mục bảo tồn của cầu đường sắt Bình Lợi cũ.

Cầu đường sắt Bình Lợi cũ được xây dựng từ năm 1900 và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1902. Đây là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh và của ngành đường sắt Việt Nam.

Để thay thế cầu Bình Lợi cũ, giữa tháng 9/2019, cầu đường sắt Bình Lợi mới (kế bên cầu cũ) được đưa vào khai thác. Cầu có chiều dài 1,3km, thiết kế theo quy mô cầu vĩnh cửu bằng vật liệu thép tương ứng khổ 1.435mm.

Trong giai đoạn đầu, cầu được đặt ray khổ 1.000 mm. Cầu có quy mô 14 nhịp, trong đó nhịp thông thuyền dài 101m, độ tĩnh không 7m.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Giao thông Vận tải cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức xem xét, lập hồ sơ đề xuất xếp hạng đối với các hạng mục bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ.

Căn cứ quy mô bảo tồn và các quy định liên quan, Sở xem xét, quyết định phân cấp cho đơn vị chức năng trực thuộc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, thực hiện công tác quản lý, lưu giữ, bảo vệ và phát huy đầy đủ giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của các hạng mục được bảo tồn./.

Tiến Lực (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tphcm-de-nghi-som-ban-giao-cac-hang-muc-bao-ton-cau-binh-loi-cu/629284.vnp