TP.HCM: Để mãi xứng danh là thành phố mang tên Bác, thành phố anh hùng

Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực vận dụng tư tưởng của Bác vào thực tiễn để từng bước hóa giải những khó khăn, thách thức đặt ra.

Sau 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển nhanh và bền vững, luôn giữ vai trò đầu tàu, là động lực, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vị trí quan trọng của cả n

Sau 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển nhanh và bền vững, luôn giữ vai trò đầu tàu, là động lực, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vị trí quan trọng của cả n

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 2/7/1976, Thành phố Sài Gòn-Gia Định chính thức được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố trải qua quá trình 45 năm năng động, sáng tạo, đoàn kết, nghĩa tình, phấn đấu với quyết tâm cao để xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố, xứng đáng với vinh dự là Thành phố mang tên Bác, Thành phố Anh hùng.

Những năm đầu sau giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh phải đương đầu và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức rất lớn cả khách quan lẫn chủ quan để bảo vệ, ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội và khôi phục, xây dựng kinh tế. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã nỗ lực vận dụng tư tưởng của Bác vào thực tiễn để từng bước hóa giải những khó khăn, thách thức đặt ra.

Xử lý tàn dư xã hội

Một thành phố lớn là đô thị trung tâm của cả miền sau ngót hàng trăm năm thống trị của thực dân, đế quốc, đã để lại những hậu quả rất nặng nề sau chiến tranh. Tình hình chính trị, an ninh, trật tự xã hội hết sức phức tạp. Nhiều phần tử phản động, chống phá cách mạng vẫn còn ở lại Thành phố, lợi dụng để hoạt động.

Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng với hơn 3 triệu dân, trong đó có đến 500.000 người thất nghiệp, 170.000 thương phế binh, 700.000 người nghèo khổ sống lang thang, hơn 100.000 gái mại dâm, 150.000 người nghiện ma túy, 10.000 trẻ em lang thang bụi đời, 10.000 người ăn xin, 200.000 tên lưu manh du đãng, 200.000 trẻ mô côi và có đến 400.000 lính ngụy tan rã là những người thất nghiệp.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam (Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định suốt một thời kỳ lịch sử dài luôn là căn cứ quân sự, là đô thị phục vụ chiến tranh xâm lược của Mỹ và phát triển theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, chịu sự ràng buộc, lệ thuộc về kinh tế rất lớn từ tư bản nước ngoài.

Nghĩ đến công việc đối với con người, nhất là những nạn nhân của xã hội thực dân, đế quốc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện lòng nhân ái, nhân văn cao cả. Trong Di chúc, Bác căn dặn Đảng và Nhà nước: “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện."

Theo tiến sỹ Nguyễn Thành Nam (Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh), trong cuộc đời hoạt động cách mạng và trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho nhân dân, đồng bào Sài Gòn-miền Nam, kể cả những người lầm đường, lạc lối với tình cảm, lòng yêu thương vô hạn.

Giải quyết, khắc phục hậu quả của đế quốc Mỹ để lại Thành phố sau chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người dân.… là nhiệm vụ quá lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam cho rằng điều này đã được Bác chỉ rõ ở những đoạn cuối trong bản Di chúc viết vào tháng 5 năm 1968 rằng: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi." Song Bác đã chỉ ra cho Đảng bộ và nhân dân Thành phố phương hướng, cách thức “để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân."

Để khắc phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh xâm lược dã man, khôi phục phát triển kinh tế, đưa Thành phố đi lên với những bước đi vững vàng, chắc chắn, Đảng bộ và nhân dân thành phố luôn ghi nhớ và ra sức phấn đấu thực hiện lời dạy của Người, khôi phục và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất nước.

Bài học của Bác về “hòa hợp dân tộc”

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong cuốn sách Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm, khi đó là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh viết ngay từ sau ngày 30/4/1975, Đảng bộ thành phố, trên cơ sở đánh giá đúng bản chất cách mạng của nhân dân thành phố, đã dựa vào quần chúng, phát động nhiều phong trào hành động cách mạng, tập trung sức trước hết nhằm ổn định tình hình chính trị, coi là cái gốc tạo nên sức mạnh giải quyết những khó khăn to lớn của thành phố lúc đó.

Ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thăm Xí nghiệp Liên hợp Máy công cụ, năm 1984.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, thực hiện tư tưởng của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công," chúng ta đã thi hành chính sách “hòa hợp dân tộc," làm cho mọi người từ công nhân lao động đến trí thức, nhân sỹ, người có đạo hay không có đạo, người Việt hay người Hoa, bất cứ thuộc thành phần, tầng lớp nào, tất cả đều bớt mặc cảm, nâng lòng tự hào thực sự của mỗi người về những cống hiến dù ít dù nhiều vào thắng lợi chung.

Chính quyền cách mạng ngay từ đầu đã thực hiện chính sách nhân đạo rất độc đáo của Việt Nam đối với binh sỹ chế độ cũ, không có cảnh “tắm máu" trả thù như Mỹ-ngụy đã hù dọa. 400.000 binh lính chế độ cũ đã trở về đời sống công dân bình thường sau ba ngày học tập đường lối, chính sách cách mạng. Cũng chính qua phát động quần chúng sâu rộng từ cơ sở, Thành phố đã xây dựng và củng cố được chính quyền cách mạng các cấp ngay những ngày đầu giải phóng.

Cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất năm 1976 có 97% cử tri tham gia, trong đó có 93% binh lính chế độ cũ đã được phục hồi quyền công dân. Tiếp sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp thành phố, quận huyện, phường xã đầu năm 1977 là những đợt vận động dân chủ sâu rộng trong quần chúng, những sự kiện chưa từng có trong thành phố.

Đối với đội ngũ tri thức, ngay những ngày đầu sau giải phóng, lãnh đạo Thành phố đã rất quan tâm đến việc tập hợp trí thức chế độ cũ, xóa bỏ mọi thành kiến trong đội ngũ trí thức ở lại miền Nam sau khi nước nhà thống nhất.

Ngay sau những ngày đầu thống nhất, Hội trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập (tháng 8/1975). Những năm đầu giải phóng, các lãnh đạo Thành phố, đặc biệt là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt luôn tìm cách giữ các trí thức ở lại miền Nam, chủ động tiếp xúc trực tiếp với họ để động viên, giáo dục, cải tạo và trọng dụng họ, thậm chí không ngần ngại học hỏi những tri thức cũ.

Có thể nói, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Kiệt đã thường xuyên kiên trì học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng về trọng dụng tri thức. Chính ông và những người lãnh đạo Thành phố thời kỳ này đã lập thêm các tổ chức tập hợp tri thức như Câu lạc bộ Giám đốc,Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy, Nhóm Thứ Sáu...

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh nhiệm vụ ổn định tình hình chính trị-xã hội ở thành phố mới giải phóng thật vô vàn khó khăn, nhưng Đảng bộ Thành phố đã xác định đúng tâm quan trọng có ý nghĩa quyết định của mặt công tác này đối với toàn bộ tiến trình cách mạng những năm sau. Sở dĩ thành phố làm tốt công tác chính trị, văn hóa, tư tưởng ngay trong những năm đầu chính là trên cơ sở hiểu biết quần chúng thành phố, tin dựa vào quần chúng và mạnh dạn phát động quần chúng, kiên trì chính sách hòa hợp dân tộc theo tư tưởng của Bác Hồ./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tphcm-de-mai-xung-danh-la-thanh-pho-mang-ten-bac-thanh-pho-anh-hung/640893.vnp