TP HCM đang bị ô nhiễm từ giao thông ở mức khủng khiếp

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có buổi họp báo thông tin về hiện tượng bụi mù 'bao vây' TP thời gian qua.

Chiều 9/10, Sở TN&MT TP.HCM tổ chức buổi họp báo thông tin về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP.HCM thời gian qua.

Tại buổi họp báo, ông Cao Tung Sơn (Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở TN&MT) cho biết, tình trạng ô nhiễm chất lượng không khí tại TP.HCM thời gian qua chủ yếu do bụi lơ lửng và mức ồn từ các hoạt động giao thông gây ra.

 Ông Cao Tung Sơn (Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở TN&MT TP.HCM) tại buổi họp báo chiều 9/10.

Ông Cao Tung Sơn (Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở TN&MT TP.HCM) tại buổi họp báo chiều 9/10.

"Hiện tượng mù quang hóa là hiện tượng tự nhiên, nó xảy ra vào các thời điểm giao mùa, từ Thu sang Đông, đôi khi cũng từ Đông sang Xuân, đặc biệt từ khoảng tháng 10 tới tháng 11. Những năm gần đây qua quan trắc thì đều phát hiện nó xuất hiện vào tháng 10. Năm 2018 thì lại xuất hiện vào tháng 1, nhưng năm, nay thì xuất hiện sớm hơn một chút là từ tháng 9" - ông Sơn nói.

Đây là hiện tượng tự nhiên, tuy nhiên nó gây ra tình trạng ô nhiễm cũng một phần là do tác động từ các hoạt động của con người, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP.HCM.

Theo Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại TP.HCM đến từ 3 nguồn: hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng.

"Với mật độ dân số tăng cao cùng hoạt động của các phương tiện tạo ra sự ô nhiễm, nó trùng vào thời điểm các hướng gió không đủ mạnh để thổi khối bụi mù này đi, mà nó tích tụ lại kết hợp với khối bụi quang hóa nên gây ra tình trạng ô nhiễm như thời gian qua" - ông Sơn giải thích thêm.

Buổi họp báo thông tin về diễn biến hiện tượng mù quang hóa tại TP.HCM thời gian qua.

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, kết quả quan trắc tại 30 vị trí cho thấy có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5...) trong các ngày 18 đến 20/9.

Đặc biệt, ngày 20/9 bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần; NO2 tăng 1,41 lần; CO tăng 1,4 lần. Cơ quan này cũng ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10; PM 2.5 tăng từ 1,9 lên 2,2 lần, vượt chuẩn lần lượt là 50%, 25%.

Số liệu quan trắc tại 19 vị trí giao thông cho thấy hơn 50% là bụi lơ lửng, gần 94% là mức ồn, vượt quy chuẩn cho phép.

Trong đó, tại TP.HCM ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi thành phố hiện có khoảng 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700.000 ôtô, còn lại là xe của người tỉnh thành khác mang vào); 37 điểm thường xuyên kẹt xe... nên lượng khí thải độc hại ra môi trường là rất lớn.

TP.HCM bị một lớn bụi mù bao phủ suốt thời gian qua.

Liên quan tới vấn đề giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, ông Cao Tung Sơn cho rằng cơ quan chức năng phải kiểm soát được nguồn ô nhiễm. Trung tâm Quan trắc sẽ tiếp tục công bố dữ liệu về chất lượng không khí lên các bảng điện tử giao thông, báo đài, để cảnh báo người dân.

Ngoài ra, Sở TN&MT TP.HCM sẽ hoàn tất đề án phát triển mạng lưới quan trắc tự động chất lượng môi trường và sẽ trình UBND TP.HCM vào cuối năm nay. Đến đầu năm 2020 triển khai thực hiện.

Dự kiến sau năm 2020, TP sẽ có 9 trạm quan trắc tự động hoạt động, đến năm 2030 sẽ có 18 trạm.

Mạnh Phong

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.net.vn/tin-247/tp-hcm-dang-bi-o-nhiem-tu-giao-thong-o-muc-khung-khiep-73870.html