TP.HCM: Đã lắp đặt hơn 10.382 kWp điện mặt trời áp mái

906 hộ gia đình, công sở và doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tính đến cuối năm 2018. Tổng công suất lắp đặt tăng gần 52 lần so với 5 năm trước đây (200 MWp - năm 2013).

Một số công trình tiêu biểu trên địa bàn có thể kể đến như: Nhà máy xử lý nước thải của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền (980 kWp); Công ty TNHH Schneider Electric Manufacturing Việt Nam (360 kWp), Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú thọ (259,2 kWp)...

Riêng Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), tính đến nay đã có 19 đơn vị trực thuộc hoàn tất lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại trụ sở, với tổng công suất 1.127,9 kWp.

Hiện nay, EVNHCMC đang triển khai lắp đặt ở 47 trạm biến áp trung gian, với tổng công suất ước tính là 2.658 kWp, dự kiến đưa vào vận hành vào cuối tháng 6/2019.

Dàn pin năng lượng mặt trời áp mái được lắp đặt tại trụ sở Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh

Dàn pin năng lượng mặt trời áp mái được lắp đặt tại trụ sở Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh

Theo “Báo cáo Đánh giá kỹ thuật Tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam” năm 2017 của Ngân hàng Thế giới - World Bank, tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM ước tính là khoảng 6.300 MW. Dù tiềm năng là rất lớn nhưng theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, vẫn còn những vướng mắc ảnh hưởng đến việc vận động khách hàng sử dụng điện mặt trời.

Cụ thể, hiện ngành điện vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán cho khách hàng; giá thành lắp đặt 1 kWp điện mặt trời còn cao, trong khi chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay đối với các dự án điện mặt trời và các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt điện mặt trời cho khách hàng.

Không chỉ có vậy, hiện nay trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau mà chưa có đơn vị, tổ chức hỗ trợ xác nhận, dẫn đến tâm lý e ngại, không dám lắp đặt sử dụng điện mặt trời; chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các thiết bị liên quan như tấm pin, khung đỡ, inverter để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường...

Để thúc đẩy việc triển khai chương trình điện mặt trời nối lưới trên địa bàn TP.HCM, EVNHCMC cho rằng, các bộ, ngành cần sớm có hướng dẫn cách thức quyết toán lượng điện mặt trời dư phát ngược lên lưới đối với các dự án điện mặt trời nối lưới trên mái nhà; đồng thời đưa việc lắp đặt điện mặt trời áp mái thành 1 yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước và là một tiêu chí để đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp.

Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và qui trình đấu nối điện mặt trời trên mái nhà thống nhất chung cho cả nước; ban hành quy định về chi phí kiểm tra, thử nghiệm yêu cầu kỹ thuật nối lưới và danh sách các đơn vị có thể thực hiện công tác này bên cạnh các đơn vị Điện lực...

Đặc biệt, để khuyến khích người dân, cần có các chương trình hỗ trợ, ưu đãi về tài chính đối với các đơn vị, hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái...

Thùy Lê

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tphcm-da-lap-dat-hon-10382-kwp-dien-mat-troi-ap-mai-528666.html