TP.HCM: Còn buông lỏng công tác quản lý giết mổ

Ngày 12/12, tại buổi làm việc với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, công tác kiểm tra, quản lý an toàn thực phẩm của thành phố còn nhiều khó khăn, một số khâu buông lỏng trong giết mổ, không cấp phép...

Gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở Xuyên Á thời điểm lực lượng chức năng bắt quả tang. Ảnh S.T

Theo ông Phong, sau 9 tháng đi vào hoạt động, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đạt được kết quả nhất định như: Phối hợp xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, an toàn từ trang trại đến bàn ăn; Tạo sự nhất quán từ khâu cấp phép quản lý đến giám sát mối nguy chất lượng thực phẩm; Hình thành các đội quản lý an toàn thực phẩm tại 24 quận huyện, tạo ra mạng lưới quản lý trực tiếp ở các địa phương; Công tác truyền thông phát huy hiệu quả và có sự lan tỏa…

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, nhất là khâu phối hợp giữa ba bên liên quan là Ban An toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương. Đơn cử như nếu 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần mà vào bàn ăn của dân thì khủng khiếp thế nào? Mặc dù việc này đã được giải pháp kiên quyết, song thực tế vẫn còn những khâu buông lỏng trong giết mổ, không cấp phép...

Theo đó, ông Phong cũng yêu cầu Ban quản lý An toàn thực phẩm cùng các Sở, ngành phải quản lý chặt chẽ an toàn thực phẩm. Nhất là quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, tuyệt đối không để ngộ độc xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với truyền thông… để người dân tự bảo vệ sức khỏe, biết được địa điểm mua thực phẩm sạch.

Báo cáo tại cuộc họp, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, sau khi đưa vào hoạt động, mô hình thí điểm mới này giúp nâng tầm quản lý đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, bà Lan cũng thừa nhận, các quy định còn chồng chéo, bất hợp lý trong cấp phép, xử lý vi phạm; thiếu nhân sự, số nhân sự chuyển về từ các cơ sở không đủ số lượng định biên ban đầu; việc hình thành bộ máy thanh tra thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn…

Hiện nay Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM vẫn chưa đủ số lượng định biên ban đầu, có 445/488 người quản lý một khối lượng công việc lớn không làm xuể. Trình độ nhiều cán bộ từ quận, huyện chuyển về chưa tự tin về chuyên môn. Về thanh tra, hiện nay đang hoạt động theo quyết định thanh tra chuyên ngành chứ không phải thanh tra nhà nước như các Sở, ngành theo dự kiến ban đầu.

“Vì thế, hoạt động kiểm tra, giám sát và xử phạt còn hạn chế, chưa được sự tôn trọng, chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm trong an toàn thực phẩm. Cần sớm kiến nghị Chính phủ cho phép hoạt động như thanh tra nhà nước”, bà Phong Lan kiến nghị.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tp-hcm-cong-tac-quan-ly-giet-mo-con-buong-long.aspx