TP.HCM: Có tình trạng nhiều cán bộ sợ trách nhiệm không dám làm việc!

Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với các DN BĐS, phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết chính quyền TP đang rất áp lực với việc xử lý những sai phạm vừa qua liên quan đến đất đai. Và cũng rất áp lực với với sự yếu kém của một số cán bộ, nhiều cán bộ sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc…

Sáng 10.4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và các lãnh đạo UBND TP đã có buổi gặp gỡ để lắng nghe các kiến nghị từ các DN BĐS.

Cán bộ yếu kém, sợ trách nhiệm?

Sau khi các DN phát biểu và kiến nghị, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã xin lỗi và nhận khuyết điểm về những chậm trễ của chính quyền TP.HCM, làm ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như khó khăn cho công việc kinh doanh của các DN BĐS thời gian qua. Ông Tuyến cũng đề nghị và cho biết rất cần sự đồng hành của DN trong tiến trình phát triển của TP. Vì trong những thành tựu đạt được của TP.HCM có sự đóng góp rất lớn của các DN BĐS.

Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến: " Nhiều cán bộ yếu kém, sợ trách nhiệm...", Ảnh: H.V

Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến: " Nhiều cán bộ yếu kém, sợ trách nhiệm...", Ảnh: H.V

“Hiện nay chính quyền TP rất bức xúc, áp lực với những vướng mắc thủ tục trong lĩnh vực BĐS, cả áp lực về những sai phạm mà vừa qua nhiều tập thể, cá nhân bị xử lý… UBND TP đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, Công an nếu như sai đến đâu, xử đến đó”, ông Tuyến chia sẻ .

Ngoài ra, ông Tuyến còn cho biết TP cũng áp lực về sự yếu kém của một số cán bộ. Nhiều cán bộ làm việc mà sợ trách nhiệm. TP đã làm việc với Thành ủy để có thể điều chuyển ngay những cán bộ yếu kém, không dám làm việc.

“Áp lực nhưng phải làm, không thể để việc ngưng trệ được. Ngân sách TP thu mỗi ngày trên 1.000 tỷ đồng, nếu thiếu hụt không chỉ ảnh hưởng đến TP mà còn cả nước”, ông Tuyến cho hay.

Cũng theo ông Tuyến, liên quan đến kiến nghị của DN BĐS về những dự án đang rà soát, thanh tra, những dự án nào Thanh tra kết luận sai, dừng; dự án đang điều tra, dừng; những dự án nào vướng mắc sẽ tháo gỡ để tiếp tục triển khai nhưng phải đáp ứng điều kiện và đúng pháp luật.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: " giám đốc đầu ngành không thể trả lời không biết làm thế nào". Ảnh: H.V

Cần có hội nghị cho người có nhu cầu nhà ở

Kiến nghị với lãnh đạo, nhiều DN BĐS cho biết không chỉ vướng thủ tục pháp lý, DN còn rất áp lực khi một số cán bộ “không biết vì sao thời gian gần đây lại làm việc trì tệ, không dám ký hồ sơ, sợ trách nhiệm”. Lãnh đạo TP nên quan tâm, động viên anh em làm việc hăng say hơn.

Theo Luật sư Trương Thị Hòa - Phó chủ tịch HoREA, nhiều người có thể nghĩ rằng cuộc gặp gỡ này vì DN, nhưng nó cũng vì vấn đề nhà ở cho công dân. Tháo gỡ cho DN thì cũng là tìm cách tháo gỡ nhà ở cho dân.

Bà Hòa cho biết đã nghiên cứu nhiều vấn đề này và tại cuộc gặp gỡ này, có thể thấy những vướng mắc có 2 loại:

Về pháp lý, có những quy định của pháp luật không đồng bộ, chồng chéo nhau. Vì vậy, phải có một bộ phận riêng là các chuyên viên, chuyên gia tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong pháp lý. Về thủ tục hành chính, là những vướng mắc phổ biến hiện nay, nếu tháo gỡ cho DN thì chính là tháo gỡ cho công dân có nhà, nhất là những đối tượng có thu nhập thấp.

Luật sư Trương Thị Hòa: " Cần có hội nghị cho người có nhu cầu về nhà ở". Ảnh: TL

Bà Hòa cũng cho biết, các vướng mắc tập trung đa số vào vấn đề tiền sử dụng đất, tức liên quan đến tài chính. Liên quan đến đất công thì tài chính càng vướng mắc. Cần những người chuyên môn để tháo gỡ.

Một vấn đề nữa theo bà Hòa, là thị trường bất động sản TP.HCM phải phát triển theo hướng bền vững, DN phải có trách nhiệm lớn trong việc này. Bền vững về môi trường, về kinh tế và xã hội… nó sẽ tác động vào các lĩnh vực khác toàn xã hội. Nhiều DN đã có hướng đi này, lãnh đạo TP cũng đã quan tâm. Những cuộc gặp gỡ thế này rất quan trọng, vì có tiếng nói lãnh đạo thì có những vấn đề có thể tháo gỡ được ngay.

“Tại sao không có hội nghị gặp người dân để cho họ nói về nhu cầu nhà ở của mình, Việt Nam từ xưa đến nay có hai lần hiến pháp nhắc đến quyền nhà ở của công dân là Hiến pháp năm 1980 và 2013. Cần phải ngồi lại để lắng nghe người dân nói về nhu cầu nhà ở của họ”, bà Hòa kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Đực (Công ty Địa ốc Đất Lành), hiện nay TP.HCM đã mất hút thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp. "Trước đây, rất nhiều DN khác cũng làm nhưng đến nay, nhiều DN bể, nhiều DN không dám làm, Đất Lành cũng nghỉ luôn… Như vậy, đến nay gần như không ai làm, vì lãi thấp chỉ có 1 - 2 triệu/m2, mà về pháp lý xin cũng khổ như nhau. Cũng có tình trạng, khi xin phép xây dựng xong thủ tục xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhiều DN chuyển sang xây thương mại. Vì, có lần một đại gia nói với tôi ngu sao làm nhà ở giá thấp”, ông Đực kể.

Ông Nguyễn Văn Đực, Công ty Đất Lành: " Thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp đã mất hút". Ảnh: H.V

Lãnh đạo đầu ngành phải nắm rõ luật

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết cái gì mà DN, người dân hài lòng thì chính quyền rất vui, còn buồn khi DN và dân chưa hài lòng. Điều này không chỉ ở lĩnh vực BĐS mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Liên quan đến các vướng mắc về thủ tục, ông Nhân cho biết làm thủ tục cần có quy trình, trách nhiệm của ai, ở đâu cần phải tiếp tục hoàn thiện. Quy trình nào cũng phải có thời hạn giải quyết, sở, ngành và cả Văn phòng UBND TP phải có qui định về thời hạn nhất định hoàn thành ký, trả lời hồ sơ.

“Tôi thấy các DN nói rất thương các giám đốc đầu ngành mà không biết làm thế nào? Tôi không đồng tình cái này. Vì làm không được thì phải báo lên trên. Khó thì mời liên ngành thảo luận, phức tạp quá báo Thành ủy cho chủ tương, không được nữa báo ra Chính phủ, Quốc hội. Trách nhiệm của đầu ngành phải nắm rõ luật pháp, không để tình trạng không biết làm thế nào, trả lời thế nào cho dân. Ngược lại, có giám đốc nói với DN rất muốn giúp nhưng chuyên viên họ chưa trình lên, không được nói như thế! Không thể để tình trạng chuyên viên không biết làm thế nào nên chưa trình lên. Phải nhìn nhận thẳng thắn, cái gì làm được cho DN thì làm tốt hơn, cái gì yếu kém thì cần sửa chữa”, Bí thư Nhân yêu cầu.

Cũng theo ông Nhân, 5 năm dân số TP.HCM tăng lên một triệu người, giải quyết nhu cầu nhà ở cho con số này rất cần thiết, thứ hai là thu nhập ngày một tăng lên… Vì vậy, chưa bao giờ ở TP.HCM cơ hội phát triển thị trường nhà ở lớn như hiện nay. TP.HCM có tỷ lệ nhà bán kiên cố 60%, kiên cố 38% còn lại là không kiên cố… thì đây cũng là một cơ hội khổng lồ cho DN BDS.

Hồ Văn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/tphcm-co-tinh-trang-nhieu-can-bo-so-trach-nhiem-khong-dam-lam-viec-970675.html