TP.HCM có 'lỡ hẹn' với đề án Chính quyền đô thị lần 3?

Đã hai lần trình đề án chính quyền đô thị nhưng không được thông qua, giờ đây TP.HCM vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình này. Điểm khác biệt lớn nhất trong lần thứ 3 này là sẽ chỉ còn 1 thành phố vệ tinh thay vì 4 như trước đây.

Sau nhiều năm, TP.HCM vẫn kiên trì kiến nghị để được thực hiện mô hình Chính quyền đô thị

Sau nhiều năm, TP.HCM vẫn kiên trì kiến nghị để được thực hiện mô hình Chính quyền đô thị

Nhiều năm “long đong”

Đề án “Chính quyền đô thị” được UBND TP.HCM bắt tay xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên phải đến tháng 9/2013 HĐND TP mới chính thức thông “dự thảo”.

Theo mô hình này, Chính quyền TP vừa là chính quyền trực thuộc Trung ương và cũng là chính quyền đô thị của 13 quận nội thành. Trong khi đó các quận, huyện được chia làm 4 thành phố, gồm: TP Đông (quận 2, 9 và Thủ Đức), TP Tây (quận Bình Tân, một phần quận 8, một phần huyện Bình Chánh), TP Nam (quận 7, huyện Nhà Bè, một phần quận 8), TP Bắc (quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn).

Trong đề án lần này TP quyết định bỏ tên gọi “Thị trưởng” đối với người đứng đầu 4 TP Đông, Tây, Nam, Bắc. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng chủ trương này rất táo bạo, tâm huyết, với mục đích có được cơ chế vận hành đúng với vai trò là đơn vị hành chính đặc biệt của cả nước.

Được đưa lên Trung ương với rất nhiều kỳ vọng, nhưng đề án đã không được thông qua, mà nguyên nhân là do đề án quá lớn và vướng nhiều vấn đề liên quan đến Hiến pháp, pháp luật, đồng thời cần nhiều cơ quan tham gia nên “Trung ương chưa thuận” – như Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan đã nói trong một cuộc họp báo.

Dù vậy TP vẫn không từ bỏ tham vọng của đề án được Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong coi là “gốc rễ” của việc cải cách hành chính. Trong 2 năm 2016 và 2017 đề án này liên tiếp được nhắc lại trong các buổi hội thảo và làm việc của TP với lãnh đạo Trung ương.

Thậm chí tại Hội nghị lần 4 – Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa 10, TP xác định phải kiên trì theo đuổi và kiến nghị bằng được mô hình “Chính quyền đô thị” vì TP.HCM là nơi đầu tàu nên không thể giống như các tỉnh miền núi, đồng bằng khác.

Một phần Khu Công nghệ cao tại quận 9 - nơi sẽ là trung tâm sản xuất của "Khu đô thị sáng tạo" trong tương lai.

Từ 4 thành phố giảm xuống còn 1

Tuy nhiên phải đến tháng 4 năm nay cụm từ “Chính quyền đô thị” mới lại xuất hiện khi Phó bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang tiếp tục cho rằng mô hình này sẽ góp phần giải quyết căn cơ các bất cập hiện nay của TP, nhất là trong điều kiện dân số đang tăng tới 200.000 người/năm.

Cuối tháng 10 vừa qua đề án chính thức được khởi động lại khi Sở Nội vụ có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP về dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho TP được thí điểm mô hình Chính quyền đô thị.

Điểm đáng lưu ý là so với 4 thành phố vệ tinh trong đề án năm 2013, đề án lần này chỉ đề xuất xây dựng TP phía Đông (quận 2, 9 và Thủ Đức), theo hướng “thành phố thuộc TP.HCM”.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đầy - Trưởng phòng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ) cho rằng việc chọn các quận trên gắn liên với “Khu đô thị sáng tạo”. Ngoài ra khu vực này cũng có những đặc thù như Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2), Khu công nghệ cao (quận 9) và ĐH Quốc gia (quận Thủ Đức).

Ngoài ra TP cũng đề xuất tổ chức một cấp chính quyền (thành phố) và hai cấp hành chính (quận, huyện, thành phố trực thuộc TP và phường, xã, thị trấn), đồng thời không có HĐND tại các cấp quận, huyện, phường, xã. TP cho rằng việc này sẽ tinh gọn bộ máy hành chính để làm việc hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Đầy hiện các đơn vị liên quan đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ để trình Bộ Chính trị trong tháng 12 tới. Trường hợp Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, TP sẽ triển khai các bước tiếp theo để trình Quốc hội năm 2020, và nhanh nhất đến năm 2021 mới có thể triển khai.

Liên quan đến mô hình này, hiện Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra sẽ xem xét Đề án Chính quyền đô thị do TP Hà Nội đề xuất. Theo đó tổ chức chính quyền thành phố gồm HĐND và UBND thành phố, về cơ bản giữ nguyên như hiện nay. Tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã cũng cơ bản giữ nguyên, gồm có HĐND và UBND.

Riêng về tổ chức chính quyền xã, phường, thị trấn, theo đề án, tại phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây sẽ không tổ chức HĐND phường, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế Ủy ban hành chính. Dự kiến 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội sẽ thí điểm không tổ chức HĐND bắt đầu từ ngày 1/6/2021.

Phong Vũ

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tphcm-co-lo-hen-voi-de-an-chinh-quyen-do-thi-lan-3-post319473.info