TP.HCM có cần quản lý xe đạp điện?

Sau khi TP Hà Nội đề xuất nên quản lý xe đạp điện như xe máy, các chuyên gia cho rằng ở TP.HCM điều này chưa cần thiết.

Không khói bụi, không cần đăng ký hay bằng lái, rẻ và tốc độ tương đối nhanh, đó là lý do nhiều người quyết định mua và sử dụng xe đạp điện. Thực tế cho thấy những năm gần đây xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến của thanh thiếu niên, học sinh…, đã kéo theo sự lo lắng về độ an toàn khi tham gia giao thông.

Phụ huynh ủng hộ quản lý

Do đó khi có thông tin TP Hà Nội vừa kiến nghị lên Chính phủ về việc sửa đổi và hoàn thiện một số quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất quản lý xe đạp điện tương tự xe máy, vụ việc đã nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh và các chuyên gia ở TP.HCM.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, chị Hồng Ánh, ngụ quận Bình Thạnh, có con sử dụng xe đạp điện, cho hay: “Ngày nào tôi cũng phải dặn dò cháu không được vượt ẩu, dàn hàng nhưng vẫn không yên tâm. Tôi thấy nếu thắt chặt quản lý xe đạp điện bằng biện pháp có đăng ký và bằng lái như xe máy sẽ có tính răn đe hơn”.

Học sinh đi học bằng xe đạp điện ở TP.HCM. Ảnh: MINH ANH

Học sinh đi học bằng xe đạp điện ở TP.HCM. Ảnh: MINH ANH

Chị Lan Hương, ngụ quận Thủ Đức, lại có ý kiến khác: “Tôi ủng hộ là nên quản lý nhưng hình thức giống xe máy dưới 50 phân khối, tức là vẫn đăng ký nhưng không cần bằng lái. Nếu bắt các em phải thi bằng lái thì hơi quá sức. Chưa kể tổ chức thi là cả một vấn đề”.

Trong khi đó, em Minh Anh, học sinh ở quận 10, tỏ ra khá lo lắng trước thông tin này: “Cha mẹ mua xe đạp điện cho em để đi học vì không cần bằng lái và dễ sử dụng. Giờ nếu phải thi lấy bằng em thấy rất áp lực”.

Theo tôi, bất cứ phương tiện nào khi đã tham gia giao thông thì phải quản lý, kể cả xe đạp điện. Hiện nay Thông tư 54/2015 của Bộ Công an có quy định về việc đăng ký đối với xe máy điện. Nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều xe máy điện không có giấy tờ, biển số, gây khó cho việc quản lý. Chưa kể không loại trừ tình trạng xe kém chất lượng, trôi nổi, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Bởi vậy, dưới góc độ của CSGT, thiết nghĩ nên có hình thức quản lý cả xe đạp điện.

Một đội trưởng CSGT trên địa bàn TP.HCM

LÊ THOA ghi

Chưa cần quản lý?

“Theo tôi thì không nên quản lý bởi hiện nay nội đô TP.HCM đường sá chật chội lắm, xe đạp điện không chạy tốc độ cao được. Ngoài ra, học sinh giờ thích chạy xe máy 50 phân khối nhiều hơn. Tôi thấy xe đạp điện ở TP.HCM ít phát triển nên câu chuyện quản lý chắc cũng chưa cần nghĩ đến” - ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, chia sẻ.

Đại diện MTTQ TP.HCM cho rằng xu hướng chung có lẽ TP.HCM cũng không phát triển xe đạp điện mạnh. Ngoài ra, tai nạn liên quan đến xe đạp điện hầu như không có.

Đồng tình, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông TP.HCM, khẳng định tai nạn do nguyên nhân từ xe đạp điện đã giảm phần lớn, chủ yếu là va quẹt. Ý thức người sử dụng loại phương tiện này cũng tốt hơn trước nhiều.

“Về việc quản lý, theo tôi chỉ nên theo dõi” - ông Tường phân tích thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia đề nghị các cơ quan quản lý cần quan tâm hơn đến nguồn gốc và vấn đề an toàn xe đạp điện. Nhất là mới đây trên mạng xuất hiện clip quay lại cảnh xe đạp điện đang sạc thì phát nổ. Nhiều phụ huynh lo ngại các xe đạp điện kém chất lượng bán tràn lan mà không ai quản lý có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Quản lý như xe thô sơ

Theo quy định, xe đạp điện có tốc độ không quá 25 km/giờ, công suất không được quá 250 W, trọng lượng toàn bộ xe không được quá 40 kg và có bàn đạp. Xe đạp điện hiện được quản lý như xe thô sơ nên không cần đăng ký, không cần bảo hiểm, người điều khiển không cần giấy phép lái xe mà chỉ cần hiểu về Luật Giao thông đường bộ.

Xe máy điện không có bàn đạp, công suất lớn hơn 250 W, tốc độ cao nhất có thể đến 45 km/giờ, công suất lớn nhất dưới 4 kW.

Mô tô điện công suất lớn hơn 4 kW, tốc độ trên 45 km/giờ.

Theo Thông tư số 54/2015/TT-BCA bổ sung Thông tư số 15/2014/TT-BCA về đăng ký xe thì xe máy điện và mô tô điện thuộc diện phải đăng ký để được cấp biển số.

Các nước quản lý xe đạp điện như thế nào?

Trung Quốc: Quản lý xe đạp điện được áp dụng các quy định như xe đạp, không cần bằng lái, đào tạo, bảo hiểm, thậm chí là mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, một số TP tại Trung Quốc như như Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải đã cấm xe đạp điện di chuyển ở các khu vực mua bán sầm uất. Hong Kong cấm hoàn toàn xe đạp điện tại các khu vực công cộng.

Ấn Độ: Xe đạp điện dưới 250 W và tốc độ không quá 25 km/giờ không cần giấy phép, còn vượt quá hai giới hạn trên phải qua kiểm tra cấp phép.

Canada: Giới hạn độ tuổi được sử dụng xe đạp điện mỗi bang mỗi khác. Ví dụ ở Alberta chỉ cần từ 12 tuổi trở lên nhưng ở Ontario phải từ 16 tuổi. Các bang ở Canada cũng có chính sách khác nhau về chuyện có cần bằng lái hay không. Chẳng hạn ở Manitoba, muốn sử dụng xe đạp điện có động cơ với công suất từ 50 W trở lên, người sử dụng phải từ 16 tuổi trở lên, có bằng lái hạng 5, vượt qua kỳ thi thị lực và một bài thi viết về luật giao thông. Nhưng Ontario không yêu cầu người đi xe đạp điện có bằng lái.

Mỹ: Quốc gia có hệ thống quy định đa dạng. Người sử dụng xe đạp điện ở nước này khi di chuyển đến bang khác thường được khuyên hỏi ý kiến luật sư để không vô tình vi phạm quy định nào đó.

KIÊN CƯỜNG - TRƯỜNG NGÂN

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/giao-thong/tphcm-co-can-quan-ly-xe-dap-dien-786097.html