TP.HCM chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong năm 2022, TP.HCM tổ chức đào tạo nghề cho 5.300 lao động nông thôn, trong đó có 2.184 người học nghề nông nghiệp và 3.116 người học nghề phi nông nghiệp; tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt từ 85% trở lên.

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP.HCM năm 2022.

Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 5.300 lao động nông thôn gồm 2.184 người học nghề nông nghiệp và 3.116 người học nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 85% trở lên. Trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 4.676 người; đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho 624 người.

Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn. Trong đó, thực hiện lồng ghép vào nhiệm vụ tại kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp TP năm 2022; tuyên truyền các nội dung chính sách pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thực hiện tốt công tác định hướng, tư vấn nghề nghiệp để hỗ trợ người lao động lựa chọn học nghề và việc làm phù hợp.

Hiện nay, nhiều lao động nông thôn đã tự trang trải kinh phí để học nghề theo nhu cầu. Số người thoát nghèo, có thu nhập khá tăng lên.

Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cụ thể, thực hiện khảo sát, tổng hợp nhu cầu học nghề; rà soát, cập nhật danh mục nghề đào tạo phù hợp với tình hình phát triển tại địa phương; tổ chức tiến hành đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Mặt khác, tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Qua đó, nhân rộng các mô hình hay, giải pháp tốt đến các địa phương khác, đồng thời kịp thời khắc phục các hạn chế, vướng mắc của địa phương.

Bên cạnh đó, phát triển giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, tổ chức hội nghị tập huấn nhằm cập nhật kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên môn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến cán bộ, công chức, cán bộ đoàn thể quản lý, chuyên trách, phụ trách, giáo viên thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nhận định: Hiện nay, nhận thức của người dân về học nghề ngày càng tích cực hơn, nhất là trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa, lao động nông thôn đã hiểu rõ được lợi ích của việc học nghề để có tay nghề vững chắc, có thêm nhiều cơ hội về việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều lao động nông thôn đã tự trang trải kinh phí để học nghề theo nhu cầu. Số người thoát nghèo, có thu nhập khá tăng lên. Điều đó có thể khẳng định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm qua đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.

XT

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/tphcm-chu-trong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-20220708133635.htm