TP.HCM chốt giải pháp xử lý karaoke tự phát thế nào?

Ông Hoan cho rằng, quan điểm của lãnh đạo thành phố là quyết tâm xử lý nghiêm túc tiếng ồn trong khu dân cư theo đúng quy định pháp luật.

Sáng 9/3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề xuất xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.

Tại cuộc họp, ông Hoan cho rằng, ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề đã tồn tại khá lâu và đặc biệt nóng vào thời gian gần đây. Theo ông, dường như có sự ganh đua trong giới thiệu mặt hàng, sản phẩm nên các hàng quán, cửa hiệu đua nhau mở loa, gây ô nhiễm.

Ông Võ Văn Hoan cho rằng việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn đã có cơ sở nhưng các cơ quan chức năng còn chưa hiểu hết các quy định và cách xử lý cũng như trách nhiệm của các cơ quan phối hợp. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan còn cho đây là chuyện thường ngày, không phải việc của mình.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lao động

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lao động

“Quan điểm của TP.HCM là quyết tâm xử lý triệt để, nghiêm túc tất cả hành vi gây ra tiếng ồn trong khu dân cư. Đây là việc phải làm vì sự bình yên của người dân” - ông Hoan nói.

Theo ông Võ Văn Hoan, tới đây, thành phố sẽ mở một đợt cao điểm tập trung xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn với mục tiêu đến cuối năm nay sẽ chấm dứt vấn nạn này trên địa bàn.

Việc này sẽ được tiến hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ nay đến cuối tháng 5, sẽ chưa xử lý vi phạm hành chính mà theo hướng tập trung tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, đồng thời hoàn thiện các quy định pháp luật.

Giai đoạn 2, phải triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ từ TP xuống cơ sở, phải có sự phối hợp giữa các cơ quan, thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo ông Hoan, lâu nay khi đưa ra bàn vấn nạn này, nhiều ý kiến thiên về hướng có máy đo để xác định mức độ ô nhiễm tiếng ồn.

“Từ nay về sau đừng bao giờ nhắc lại chuyện này nữa, cứ loay hoay việc không có máy đo để buông không quản lý là không đúng. Lấy cái đó để nói về kiểm tra, kiểm soát trong phòng kín còn được, chứ mang ra chỗ công cộng thì lấy gì mà đo. Thực tế hành vi đó có thể xử lý với nhiều quy định khác nhau”, ông Hoan cho biết.

Phó chủ tịch TP yêu cầu phải có sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm. Phải coi đó như việc làm vì sự bình yên của người dân, của cả đô thị TP.HCM.

Nói thêm về việc này, Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013 theo hướng tăng mức tiền phạt đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng nhằm đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm.

Đối với thời gian áp dụng để xử lý vi phạm, Sở này kiến nghị không giới hạn thời gian, nhằm xử lý triệt để hành vi vi phạm.

Lý giải lý do đề xuất tăng tiền phạt, Sở TN&MT cho rằng Nghị định 167 quy định mức phạt tiền thấp từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, chưa đủ sức răn đe. Việc giới hạn xử lý từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, nếu các trường hợp vi phạm ngoài khung giờ nêu trên thì không thể áp dụng Nghị định 167 để xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh kiến nghị tăng mức tiền phạt và khung thời gian xử phạt, Sở TN&MT cũng kiến nghị Bộ TN&MT trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2016 theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND cấp xã đối với các hành vi vi phạm về tiếng ồn nhằm đảm bảo tính kịp thời trong việc xử lý vi phạm; đồng thời giao thêm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho công an và chủ tịch UBND các cấp đối với nguồn gây ồn từ sinh hoạt của người dân.

Thanh Giang (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tphcm-chot-giai-phap-xu-ly-karaoke-tu-phat-the-nao-3428754/