TP HCM: Chính quyền buông lỏng quản lý, đất đang tranh chấp vẫn xây được nhà

Mặc cho việc đất đai có tranh chấp và Tòa án đang thụ lý giải quyết, nhiều nhà cửa và công trình vẫn mọc lên. Chính quyền đang làm gì ngoài việc buông lỏng quản lý?

Một phần của diện tích đất tranh chấp đến nay vẫn còn là bãi đất trống

Một phần của diện tích đất tranh chấp đến nay vẫn còn là bãi đất trống

Đất đai đang tranh chấp

Ông Phạm Văn Bé, khu phố 3, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM trình bày, thời gian trước và sau 1975, bố mẹ ông quản lý, sử dụng phần đất khoảng 3.600 m2, nay thuộc khu phố 3, phường Linh Trung.

Khu đất này đã được quản lý, sử dụng xuyên suốt qua nhiều đời, tuy nhiên có giai đoạn gia đình ông thường vắng nhà nên bị hàng xóm lấn chiếm. Đến năn 2007, các hộ ông Nguyễn Văn Xê, ông Nguyễn Văn Thuận, ông Nguyễn Văn Trương tiến hành xây tường rào để ngăn ranh đất với gia đình ông Bé, từ đó nảy sinh tranh chấp.

Theo ông Bé, phần đất tranh chấp khoảng 1.091 m2, thuộc diện tích 3.600 m2 đất của gia đình ông. Trong đó ông Nguyễn Văn Xê, bà Trần Thị Chuyện lấn chiếm 612,2 m2, ông Nguyễn Văn Thuận lấn chiếm 222 m2; ông Nguyễn Văn Trương lấn chiếm 256m2.

Tranh chấp ban đầu được đưa đến phường, quận và sau cùng hai bên ra tòa khi bố mẹ ông Bé làm đơn khởi kiện, yêu cầu các ông Xê, Thuận, Trương trả lại đất. Ra tòa, phía bị đơn khẳng định họ đã quản lý, sử dụng đất lâu đời, đã được cấp GCN QSDĐ và không hề lấn chiếm như nguyên đơn trình bày. Bản án sơ thẩm số 131/2012/DS-ST ngày 5/12/2012 của TAND quận Thủ Đức đã bác yêu cầu của nguyên đơn.

Phía ông Bé sau đó kháng cáo và đến tháng 5/2013, TAND TP.HCM khi đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm đã nhận định án sơ thẩm có nhiều nội dung vi phạm thủ tục tố tụng. Vì vậy chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, tuyên hủy án sơ thẩm và chuyển hồ sơ về TAND quận Thủ Đức để giải quyết lại.

Hiện vụ tranh chấp vẫn đang được TAND quận Thủ Đức thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Đồng nghĩa việc cho đến nay, vụ tranh chấp QSDĐ giữa hai bên dù kéo dài hơn 10 năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Khu nhà trọ mọc lên năm 2017 khi vụ tranh chấp đang được tòa thụ lý

Nhà cửa lần lượt mọc lên

Như ông Bé trình bày, việc tranh chấp QSDĐ bắt đầu từ năm 2007, đến năm 2008 gia đình ông có đơn thư gửi đến các cấp chính quyền đồng thời làm đơn khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, đất của gia đình ông sau đó tiếp tục bị lấn chiếm, bị chuyển nhượng, xây dựng trái phép trên đất (năm 2009) và bị cấp GCN QSDĐ trái luật.

Thực trạng đó ngang nhiên diễn ra giữa ban ngày mà không hề bị ngăn chặn. Đến đầu năm 2017, ông Nguyễn Phú Cường (là con ông Nguyễn Văn Xê - bị đơn trong vụ án nêu trên) xây dựng khu nhà trọ diện tích hàng trăm m2 trên phần đất tranh chấp.

Ông Bé đã có đơn tố cáo gửi đến chính quyền địa phương và các phòng ban liên quan. Đồng thời gia đình cũng có đơn đề nghị TAND quận Thủ Đức ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với phần đất tranh chấp. Tuy nhiên tòa lại từ chối đề nghị này.

Việc xây dựng của ông Cường sau đó vẫn tiếp diễn và hoàn thành. Theo quan sát của phóng viên, khu nhà trọ mới xây kiên cố nằm cạnh sau nhà ông Bé, quay mặt ra con hẻm 74 đường số 7, địa chỉ nhà được ghi 74/6, thuộc khu phố 3, phường Linh Trung.

Dãy nhà xây dựng trên đất tranh chấp tồn tại suốt nhiều năm qua

Ngày 15/5, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam xác minh thông tin tại UBND phường Linh Trung liên quan vụ tranh chấp QSDĐ, cụ thể là những nội dung ông Bé phản ánh. Lãnh đạo phường và cán bộ làm công tác trật tự xây dựng, quản lý đô thị đề nghị phóng viên ghi lại vấn đề cần xác minh để đơn vị kiểm tra sau đó phản hồi bằng văn bản.

Phóng viên đã cung cấp một số hình ảnh ghi nhận tại thực địa và đề nghị phường xác minh thông tin pháp lý về những công trình xây dựng nêu trên, việc quản lý về đất đai và trật tự xây dựng liên quan đến phần đất đang tranh chấp, ý kiến của UBND phường về nội dung ông Bé phản ánh – đất đang tranh chấp vẫn xây dựng được nhà cửa, công trình.

Đại Chơn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/tp-hcm-chinh-quyen-buong-long-quan-ly-dat-dang-tranh-chap-van-xay-duoc-nha-453600.html