TP HCM: Chi hơn 11.453 tỉ đồng thực hiện giảm nghèo bền vững

Vẫn còn tình trạng người nghèo chưa thật sự chủ động, tích cực học nghề để tự kiếm việc làm cải thiện đời sống cho gia đình mà còn trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước, cộng động, xã hội.

Sáng 22-5, UBND TP HCM đã tổ chức sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của TP giai đoạn 2016-2020.

Hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của TP giai đoạn 2016-2020 sáng 22-5.

Hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của TP giai đoạn 2016-2020 sáng 22-5.

UBND TP cho biết trong 3 năm TP đã huy động được hơn 11.453 tỉ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; qua đó giảm tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo so với kế hoạch, kéo giảm các chiều thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Chuẩn nghèo, cận nghèo của TP giai đoạn 2016-2020 là dưới 21 triệu đồng/người/năm và từ trên 21 triệu đồng đến 28 triệu đồng/người/năm.

Đầu năm 2016, TP có 115.244 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có 67.090 hộ nghèo và 48.154 hộ cận nghèo. Đến ngày 31-12-2018, TP còn 3.767 hộ nghèo và 22.882 hộ cận nghèo; còn 287 hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc diện chính sách có công.

Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung tặng bằng khen cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo.

Hiện nay TP có 10 quận với 145 phường là quận 1, 3, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình và Bình Tân; 28 phường thuộc 6 quận (thuộc quận 4, 7, 8, 9, Bình Thạnh và Thủ Đức) không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn TP giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, quận 5 và 23 phường thuộc 5 quận (quận 2, 3, 6, 11 và Bình Thạnh) không còn hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn TP giai đoạn 2016-2020.

Nếu tính theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020 (10,8 triệu đồng/người) thì từ cuối năm 2016, TP đã không còn hộ nghèo.

Bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận thì chương trình giảm nghèo của TP cũng còn nhiều hạn chế. Theo Ủy ban MTTQ TP, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.

Hiện nay, người nghèo đang được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp (chính sách BHYT, giáo dục, nhà ở…), dẫn đến còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, khắc phục tình trạng này vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Đồng tình, Hội Nông dân TP cho rằng còn tình trạng một số hộ nghèo chưa nỗ lực tự thân vươn lên thoát nghèo mà chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể địa phương.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Thị Ngọc Cẩm cho biết trong 3 năm có 6.317 hộ trên địa bàn huyện vượt nghèo, 3.879 hộ hết cận nghèo. "Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người nghèo chưa thật sự chủ động, tích cực học nghề để tự kiếm việc làm cải thiện đời sống cho gia đình mà còn trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước, cộng động, xã hội" – bà Cẩm cho hay.

Phan Anh; ảnh: Hoàng Triều

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/tp-hcm-chi-hon-11453-ti-dong-thuc-hien-giam-ngheo-ben-vung-20190522133100749.htm