TP.HCM: Chất lượng nước ăn uống nhiều nơi không đạt tiêu chuẩn

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong năm 2018 vừa qua đơn vị này đã kiểm tra, giám sát nước mặt ở sông Sài Gòn và sông Đồng Nai và thấy chất lượng nước ở đây không đạt các chỉ tiêu COD, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), amoni, sắt, oxy hòa tan theo QCVN 08-T:2015/BTNMT.

Nước sinh hoạt và ăn uống của người dân TP.HCM - Ảnh: minh họa

Nước sinh hoạt và ăn uống của người dân TP.HCM - Ảnh: minh họa

Điều đáng nói hơn, nguồn nước này sau khi được xử lý, được kiểm tra, giám sát tại các hộ dân sử dụng cũng không đạt tiêu chuẩn nước sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống.

Cụ thể trong năm 2018, Trung tâm Y tế dự phòng TP giám sát, kiểm tra 3.155 mẫu nước sinh hoạt và ăn uống của người dân tại các quận huyện trên địa bàn TP thì chỉ có có 1.827 mẫu, đạt chỉ tiêu hóa lý và 3.017 mẫu đạt tiêu chí vi sinh. Như vậy, có đến 42,09% mẫu nước sinh hoạt, ăn uống của người dân không đạt tiêu chí hóa lý và 4,37% không đạt tiêu chí vi sinh.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, phần lớn các mẫu nước không đạt chất lượng chủ yếu là không đạt chỉ tiêu clo dư. Quá trình giám sát chất lượng nước sinh hoạt, nước ăn uống tại các hộ dân ở khu vực quận 6, quận 10, quận 11, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn cho thấy tỷ lệ mẫu nước không đạt chất lượng rất cao, chủ yếu là không đạt chỉ tiêu clo dư.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo về nguy cơ tái nhiễm vi sinh trong nước ăn uống và sinh hoạt tại các quận 2, quận 7, quận 8, quận 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh... “Những địa bàn trên nằm ở cuối hệ thống mạng lưới đường ống nước nên áp lực nước rất yếu, người dân phải dùng bồn chứa để bơm nước sử dụng.Thêm vào đó, hàm lượng clo dư vốn thấp lại lưu chứa tại bồn thêm một thời gian trước khi sử dụng nên việc tái nhiễm vi sinh ở đây là rất cao”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết để sớm phát hiện các thay đổi về chất lượng nước ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, trong năm 2019 này, Trung tâm Y tế dự phòng TP đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt và giám sát môi trường. Trong đó, đơn vị này tập trung giám sát tất cả các nguồn nước sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt; cập nhật số liệu công trình phân nước rác trên địa bàn thành phố; hướng dẫn, vận động người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, giảm dần số lượng nhà vệ sinh trên sông, đảm bảo 100% người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển phần mềm ứng dụng GIS trong công tác giám sát chất lượng nước và giám sát môi trường - là một cách tiếp cận mới - sự kết hợp giữa ứng dụng GIS trong ngành y tế và môi trường nhằm phục vụ quá trình quan trắc chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt và môi trường.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/tphcm-chat-luong-nuoc-an-uong-nhieu-noi-khong-dat-tieu-chuan-111233.html