TP.HCM chấm xong môn Văn, 6 bài thi đạt điểm 9

10,6% bài thi THPT quốc gia môn Ngữ văn của TP.HCM dưới điểm trung bình. Ngày 14/7, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ công bố điểm thi của thí sinh.

Chiều 4/7, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết bài thi môn tự luận Ngữ văn đã được chấm xong. 61.325 bài đạt điểm trung bình trở lên (89,4%). 1.366 bài đạt từ điểm 8 trở lên (1,9%). Trong số đó, 6 bài thi được điểm 9, không có điểm 10.

Năm 2018, 5 thí sinh đạt điểm 9 môn Văn; 28 em có điểm dưới 1; số đạt điểm trên trung bình là 71,44%.

Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết sau khi chấm xong, một số cán bộ vẫn phải làm việc để thực hiện các khâu tiếp theo như dò, ghép, nhập điểm. Dự kiến ngày 7/7, TP.HCM hoàn tất các khâu, chuẩn bị sẵn sàng cho việc công bố điểm thi theo lịch của Bộ GD&ĐT.

Giám thị chấm thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa: Infonet.

Giám thị chấm thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa: Infonet.

Một số giám thị cho biết câu nghị luận văn học trong đề Văn năm nay khó nhất, vì ít dữ liệu, không nhiều ý để phân tích.

Theo VTC, giám khảo ở huyện Nhà Bè, TP.HCM, thông tin ở phần bài làm nghị luận văn học, một thí sinh viết 2 câu: “Cho dù năm nay đề ra suối nước nhà Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) ở, cái ang nước nơi nhà Tràng (Vợ nhặt - Kim Lân) hay con sông Hương, Sông Đà (Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân), thì em cũng đã xác định bị ướt rồi. Em mong giám khảo thương tình mà cứu vớt cho em khỏi đuối nước”.

Giám khảo khác ở quận Gò Vấp chia sẻ có thí sinh không nhớ tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm nên “chém đại" cho có: “Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt. Lúc này, đế quốc Mỹ tiến hành leo thang chiến tranh ở miền Nam Việt Nam để kiếm một vé an toàn trên bàn đàm phán với chúng ta. Tác giả đã dành cả cuộc đời mình để dùng hết những kiến thức mà mình biết và tích lũy bấy lâu để viết và làm nên tác phẩm này chỉ trong 10 ngày”.

Cô giáo chấm thi ở quận Tân Phú kể có thí sinh liên tưởng con sông Hương như vừa thoát khỏi tù ngục: “Ở với cha (đại ngàn Trường Sơn) bị kìm kẹp lâu ngày nên khi có điều kiện thoát ra đến ngoại vi thành phố Huế, ngay lập tức, sông Hương đã sống một cuộc sống đầy bản năng, hoang dại”.

Có giám khảo quận Bình Thạnh đọc bài viết mà thí sinh mơ gặp sông Hương và trích dẫn luôn thơ Thu Bồn: “Đã có lần em mơ thấy mình dạo chơi trên sông Hương. Ở đây, em bắt gặp một cụ già tản bộ. Em hỏi: Cụ ơi, cụ đi ven bờ sông mà không sợ sạt lở sao? Cụ trả lời: Đang mùa hè nên Con sông dùng dằng, con sông không chảy / Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu".

Minh Nhật

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tphcm-cham-xong-mon-van-6-bai-thi-dat-diem-9-post963474.html