TP.HCM cân nhắc lập 36 trạm không dừng thu phí ô tô vào nội đô để chống ùn tắc

TP.HCM đang xem xét từ năm 2019 sẽ bắt đầu xây dựng 36 trạm thu phí không dừng tại khu vực trung tâm TP.HCM, mức thu từ 30.000 – 50.000 đồng tùy loại xe để chống ùn tắc giờ cao điểm.

Tình trạng ùn tắc giờ cao điểm diễn ra phổ biến tại TP.HCM. Ảnh Internet.

Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong vừa báo cáo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề án “Thu phí sử dụng đường bộ xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố góp phần giảm ùn tắc giao thông” sau khi đã hoàn thiện, chỉnh sửa đề án cũ được xây dựng từ năm 2012.

Theo đề án, giai đoạn 1, năm 2019 sẽ bắt đầu xây dựng 36 cổng thu phí không dừng trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm TP.HCM.

Giai đoạn tiếp theo sẽ xây bổ sung 3 cổng trên các tuyến ùn tắc ở khu vực Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Trường Chinh, Cộng Hòa khi thành phố đã có phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như tuyến metro số 1, buýt nhanh...

Chủ đầu tư sẽ sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR) nhằm đảm bảo khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ô tô mỗi giờ trên một làn.

Về thu phí, có ba kịch bản để xác định mức phí phù hợp trong thời gian cao điểm từ 6h-9h và 16h-19h.

Phương án 1, xây dựng mức phí 40.000 đồng áp dụng cho ô tô con, taxi, xe vận chuyển khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ.

Phương án 2, thu phí 40.000 đồng áp dụng cho ô tô con và taxi, 50.000 đồng cho xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ cố định.

Phương án 3, thu phí phí 30.000 đồng cho taxi, 40.000 đồng cho ô tô con, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xe khách du lịch.

Đề án cũng được điều chỉnh lên 1.660 tỷ đồng, tăng 460 tỷ so với giai đoạn đầu nghiên cứu là 1.200 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2020, đề án sẽ hoạt động cùng thời điểm với tuyến metro số 1 đi vào hoạt động.

Hiện đơn vị đầu tư tiếp tục lắng nghe ý kiến của các sở, ban, ngành và chuyên gia, làm rõ những vấn đề chưa được thống nhất và gửi Mặt trận Tổ quốc thành phố xem xét, từ đó mới lập dự án khả thi.

Trước đó, từ năm 2010 UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong về dự án tổ chức thu phí ô tô vào khu trung tâm. Năm 2012, đề án được trình UBND TP.HCM.

Đến cuối năm 2016, UBND thành phố yêu cầu Sở GTVT phối hợp với đơn vị đề xuất chỉnh sửa, hoàn thiện đề án.

Tiếp đến, đầu năm 2017, UBND thành phố đồng ý chủ trương cho phép công ty Tiên Phong tự cân đối kinh phí để tiếp tục nghiên cứu, lập Đề xuất dự án “Thu phí sử dụng đường bộ xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố góp phần giảm ùn tắc giao thông” theo các quy định hiện hành về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Việc đề xuất loại hợp đồng dự án phải phù hợp và giảm tối đa sự tham gia từ ngân sách thành phố.

Theo UBND TP.HCM, việc giao nghiên cứu lập Đề xuất dự án không ràng buộc chỉ định Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong làm nhà đầu tư thực hiện dự án. Các nhà đầu tư khác vẫn có quyền tham gia nghiên cứu lập Đề xuất dự án theo quy định. Thành phố sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành.

Sở Giao thông Vận tải được giao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hỗ trợ, hướng dẫn công ty Tiên Phong thực hiện các thủ tục theo quy định trong quá trình nghiên cứu lập đề xuất dự án.

Sau khi đề xuất dự án được nghiên cứu hoàn thành và giao nộp, UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố mời các nhà khoa học chuyên ngành, các chuyên gia tham gia góp ý, phản biện nội dung đề xuất dự án để hoàn thiện trước khi thẩm định, phê duyệt.

P.V

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/tp-hcm-can-nhac-lap-36-tram-khong-dung-thu-phi-o-to-vao-noi-do-de-chong-un-tac-158785.ict