TP.HCM cần là 'nhạc trưởng' điều phối hiệu quả liên kết vùng ĐBSCL

Chiều 18/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.

Tại hội nghị diễn ra ở TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực Trung ương, địa phương, ODA, FDI với cam kết khoản vốn 2 tỷ USD tăng thêm so với giai đoạn 2016-2020 và dành riêng đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Cách đây 2 năm, tại Hội nghị lần thứ nhất tổ chức ở Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết, ít nhất 2 năm một lần, Chính phủ sẽ mở diễn đàn về Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô lớn để bàn các giải pháp phát triển vùng. Đây là một biện pháp nhằm rà soát, đánh giá lại những nhiệm vụ đề ra, thay vì đề ra biện pháp nhưng không giải quyết, không bố trí nguồn lực, không chỉ đạo thực hiện.

Sau 2 năm triển khai, Thủ tướng đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu như: phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2018-2020; phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Từ khi Nghị quyết 120 được ban hành, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý bố trí trên 10.000 tỷ đồng để triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, tuyến tránh Thành phố Long Xuyên, Quốc lộ 57 Bến Tre và Vĩnh Long...

Các đại biểu dự hội nghị đánh giá, cái được quan trọng trong hai năm qua là người dân và chính quyền các địa phương đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, như sản xuất phải thích ứng biến đổi khí hậu, sống chung với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã nêu một số tồn tại trong triển khai Nghị quyết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cho rằng: “Điểm đầu tiên, vùng này là vùng sản xuất nông sản là chính nhưng quy mô sản xuất chủ yếu là cá nhân, nhỏ lẻ. Đây là 1 thách thức vô dùng lớn bởi kết quả rất bấp bênh, hiệu quả thấp cộng với chế biến không phát triển, giá trị gia tăng không tăng. Chính vì thế việc cải thiện, tạo sinh kế cho bà con nhân dân là 1 khó khăn. Đấy là điểm nghẽn thứ nhất.

Thiết kế hạ tầng và logistic vùng này so với các vùng khác quá thấp. Sản xuất nông sản nay mai lại cần điện, thủy lợi để phát triển tôm cá thì làm thế nào? Đây là điểm nghẽn thứ 2 rất bất cập.

Điểm nghẽn thứ 3, số doanh nghiệp vào vùng này quá ít. Như vậy rõ ràng nếu như không có doanh nghiệp làm việc cùng, không có hợp tác xã. Như vậy câu chuyện này không tập trung tháo gỡ bằng những chính sách thúc đẩy thì rất khó để vùng này trở thành vùng sản xuất hiện đại.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, vùng đang thiếu thể chế điều phối vùng, liên kết vùng; chưa có cơ chế để các địa phương lựa chọn được những vấn đề liên vùng, qua đó đề xuất được những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế xã hội như hạ tầng, giao thông.

“Cần phải triển khai ngay một số vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay. Đó là xác định cơ chế điều phối liên vùng tương tự như Hà Lan. Tức là có chức năng, thẩm quyền, có quyền hạn để đưa ra việc xác định các vấn đề ưu tiên và quyết định phân bổ kinh phí cho vùng để trình Quốc hội, Chính phủ thông qua.

Cần phải xây dựng các dự án lớn, phát triển hạ tầng đa mục tiêu tạo ra chuyển biến lớn. Và phải có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước ưu tiên cũng như trung ương, địa phương. Đặc biệt là phải huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia vào việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đa mục tiêu này để tạo ra 3 vùng kinh tế sinh thái”, Bộ Trưởng Trần Hồng Hà nói.

Cùng với các giải pháp phát triển giao thông kết nối vùng, nhất là ưu tiên giao thông thủy, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ nghiên cứu, ưu tiên phát triển cảng nước sâu đón tàu có trọng tải 50-100.000 tấn. Như vậy, thay vì mất 10USD/tấn hàng hóa vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến các cảng ở Thành phố HCM thì sẽ đầu tư phát triển cảng nước sâu tại vùng; thúc đẩy mở rộng các cảng hàng không; phát triển hệ thống đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Thành phố Cần Thơ, tốc độ khoảng 200km/h.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị cần tập trung xây dựng quy hoạch vùng không chỉ là để thích ứng biến đổi khí hậu mà là để thúc đẩy phát triển vùng với tầm nhìn dài hạn. Cho rằng, kết nối giao thông vùng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn theo ông Lê Minh Hoan, đó phải là sự kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân của các địa phương trong vùng. Như vậy mới phát huy được thế mạnh và nguồn lực của vùng.

Trong tiến trình thực hiện Nghị quyết 120, các đối tác quốc tế đều cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam. Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho biết: “Với tư cách là các đối tác phát triển của Việt Nam, chúng tôi cam kết hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Nghị quyết 120. Từ năm 2015 đến nay chúng tôi đã huy động 1,6 tỷ USD cho vùng này và phần lớn gắn với nội dung của Nghị quyết 120. Trong đó có đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển bền vững.

Chúng tôi cũng hợp tác với các tỉnh Việt Nam, các đối tác nước ngoài để đưa các bằng chứng, kiến thức, chuyên môn mới phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian tới chúng tôi đặt mục tiêu huy động 880 triệu USD thực hiện Nghị quyết 120.

Có nhiều ví dụ từ Đức, Australia, Hà Lan, Hoa Kỳ, đó là chính là hiệu quả phối hợp giữa các địa phương trong khu vực làm thay đổi tình hình. Chúng tôi cam kết đồng hành với Việt Nam trong xây dựng thể chế mạnh để giúp điều phối vùng phát triển hiệu quả. Qua đó xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển thịnh vượng và bền vững”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị.

Kết luận hội nghị quan trọng này, Thủ tướng cho biết đã có gần 100 ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm của các đại biểu dự hội nghị cả buổi sáng và chiều hôm nay. Điều đó thêm khẳng định Nghị quyết 120 ban hành là đúng đắn, khoa học. Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này sẽ có một Chỉ thị của Thủ tướng để tiếp tục triển khai Nghị quyết 120 với các nhiệm vụ và bước đi cụ thể hơn.

Sau hai năm triển khai Nghị quyết, Thủ tướng nhấn mạnh, đã có sự tiến bộ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, thách thức đối với vùng là rất lớn, trong đó, biến đổi khí hậu bất thường, nhất là ở khu vực Đông Nam Á với những trận mưa lớn bất thường, các trận siêu bão. Ở Việt Nam, thống kê cho thấy thiên tai liên tiếp xảy ra và nhiều cơn bão lớn. Nhiệt độ tăng lên kỷ lục ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, có nơi tăng lên 41,6 độ C. Thủ tướng dẫn ra một nghiên cứu của ADB cho thấy, 55% người dân Việt Nam sẽ bị tổn thương trước mối đe dọa từ thiên nhiên.

Nêu lên điều đó, Thủ tướng cho rằng, nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức rõ về các thách thức này, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng ứng phó với các thách thức. Trước thực tế sinh kế hàng chục triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước một thử thách lớn mang tính bước ngoặt, Thủ tướng cho rằng, nếu vượt qua được sẽ có sức bật tăng trưởng lớn, nếu không thì không loại trừ khả năng nào có thể xảy ra.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, cơ hội hay nguy cơ còn do chính cách nhìn vấn đề. Ví dụ với tình trạng mặn xâm nhập, nếu nhìn cây lúa là thách thức, nhưng nếu nhìn vào con tôm đó lại là cơ hội. Do đó, Thủ tướng cho rằng, có “nguy” và có “cơ” trong phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Với thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đặt vấn đề, tại sao chúng ta lại tỏ ra lo lắng và sợ hãi trước thách thức của thiên tai?. Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng cho rằng, nếu có bước đi đúng đắn, chúng ta không lo ngại thách thức của thiên tai. Phát triển dựa theo quy luật thuận thiên, không can thiệp thô bạo và phá vỡ tính cố kết của tự nhiên, nhưng không có nghĩa là cam chịu và chấp nhận của tạo hóa. Thay vào đó, hành động của con người mới mang tính quyết định. Do đó, Thủ tướng cho rằng, công nghệ 4.0 có thể giúp con người ứng phó với biến động của thiên tai, khắc phục các bất lợi của biến đổi khí hậu.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng cho rằng, cần có biện pháp để các chính sách đi vào cuộc sống hơn nữa. Theo đó cần huy động tâm, sức, trí tuệ của các nhà khoa học, phát huy vai trò của chính quyền các cấp, kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp và nâng cao vai trò của người dân.

Từ thực tế đó, Thủ tướng cho rằng cần thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ của Chính phủ: “Trước hết xác định phương châm hành động của Chính phủ trong thời gian tới là: Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng. Chính phủ thúc đẩy bằng chức năng kiến tạo, xác lập các cơ chế và chính sách để khuyến khích và thúc đẩy. Chính phủ tiếp tục bố trí lại nguồn lực, bổ sung lại nguồn lực, trước hết là hạ tầng cứng, đào tạo nguồn nhân lực; doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, thậm chí là kinh tế hộ lớn bằng các dự án đầu tư cụ thể. Trong báo cáo của các bộ chưa nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiệp với công tác phòng chống biến đổi khí hậu là rất quan trọng”.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách. Thủ tướng cho rằng, chỉ có các dự án của doanh nghiệp mới là chất xúc tác trung hòa các tác động của biến đổi khí hậu hay nước biển dâng. Theo đó, đối với thị trường lao động, các địa phương cần chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, đón đầu các xu hướng dịch chuyển sản xuất để giúp lao động có kỹ năng và thích ứng. Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì đề án quan trọng này.

Đối với thị trường đất đai, Thủ tướng cho rằng, cơ sở khoa học để bố trí lại đất đai với lúa gạo, trái cây, thủy sản, đi liền với công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu với các sản phẩm giá trị gia tăng cao. Cần thúc đẩy chuyển đổi đất đai thích ghi với nhu cầu mục đích sử dụng đất; nghiên cứu giảm diện tích đất trồng lúa trên cơ sở tăng năng suất lúa. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện, cần chuẩn bị thay thế quy hoạch sử dụng đất các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý việc thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ, các địa phương cần đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng rộng rãi tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cho rằng thị trường vốn của vùng kém phát triển, Thủ tướng cho rằng, cần hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế huy động vốn, thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính, tạo lập các nguồn vốn đầu tư thích ứng biến đổi khí hậu.

“Cần có cơ chế huy động tài chính riêng cho vùng thông qua huy động ngoài nước, ODA, hoàn thiện các thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tư nhân. Quyết tâm xây dựng một chương trình trọng điểm quốc gia cho vùng để triển khai trong thời gian tới theo hướng nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu tiên xây dựng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 cho vùng. Theo đó, nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực Trung ương, địa phương, ODA, FDI với cam kết khoản vốn 2 tỷ USD tăng thêm so với giai đoạn 2016-2020 và dành riêng cho vùng để đầu tư các dự án mang tính liên vùng đang là điểm nghẽn phát triển trong lĩnh vực giao thông vận tải, biến đổi khí hậu, phù hợp với quy hoạch vùng được phê duyệt, kèm theo các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn”, Thủ tướng lưu ý.

Về một số giải pháp cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho vùng, đẩy nhanh hoàn thành các dự án đã được quy hoạch để giúp cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí nâng cao năng lực sản xuất, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng đề nghị đưa ngân sách chi cho ứng phó với biến đổi khí hậu thành một nhiệm vụ chi chính cho ngân sách. Các địa phương phải dành ngân sách chi cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó là tăng cường hợp tác vùng và yêu cầu TP.HCM là “nhạc trưởng” để điều phối hiệu quả liên kết vùng./.

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tphcm-can-la-nhac-truong-dieu-phoi-hieu-qua-lien-ket-vung-dbscl-922491.vov