TP. HCM cần khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc mỗi năm

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM, từ năm 2020 - 2025, các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cần khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc mỗi năm.

Nhu cầu nguồn nhân lực sẽ tập trung nhiều nhất ở các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực dịch vụ. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Nhu cầu nguồn nhân lực sẽ tập trung nhiều nhất ở các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực dịch vụ. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), từ năm 2020 - 2025, các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cần khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc mỗi năm, trong đó có 135.000 – 140.000 chỗ làm việc mới.

Đến năm 2025, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 87%, trong đó nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất là 28%; kế đến là sơ cấp chiếm 21%, đại học chiếm 19%, cao đẳng chiếm 16% và trên đại học chiếm 3%.

Đại diện Falmi cho biết, nhu cầu nguồn nhân lực sẽ tập trung nhiều nhất ở các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 66% tổng nhu cầu nhân lực.

Tương tự, ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 32,8% tổng nhu cầu và thấp nhất là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp chiếm 1,2% tổng nhu cầu nhân lực.

Nhu cầu nhân lực tập trung ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng 21%, trong đó ngành cơ khí chiếm 5%, ngành điện tử - công nghệ thông tin chiếm 8%, chế biến lương thực thực phẩm chiếm 4%, hóa chất – nhựa cao su chiếm 4%.

Ở 9 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ gồm: Tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; giáo dục – đào tạo; du lịch; y tế; kinh doanh tài sản – bất động sản; dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và triển khai; thương mại; dịch vụ vận tải –kho bãi – dịch vụ cảng; dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin chiếm tỷ trọng 55%.

Các ngành khác như: Công nghệ sinh học, kiến trúc, kỹ thuật công trình xây dựng, dệt may, giày da, thiết kế mỹ thuật ứng dụng, thiết kế thời trang, công nghệ truyền thông, công nghệ nông nghiệp và chế biến thủy hải sản chiếm tỷ trọng 24%.

Theo đại diện Falmi, trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, một số ngành sẽ tiếp tục thu hút nguồn nhân lực như: Điện tử, công nghệ thông tin, dịch vụ vận tải, kho bãi, các dịch vụ cảng, thương mại, du lịch, tài chính tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, kiến trúc, xây dựng, môi trường, công nghệ, nông lâm…

“Các nhóm ngành nghề này chú trọng khả năng ứng dụng vào thực tiễn hơn là tính học thuật. Nguồn nhân lực làm trong các nhóm ngành nghề này đa số là có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được đào tạo chuyên sâu, có kiến thức và được rèn luyện kỹ năng tốt và có trình độ ngoại ngữ”, đại diện Falmi chia sẻ.

Tương tự, sự tác động của hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua đã thúc đẩy nhiều tổ chức doanh nghiệp có những điều chỉnh nhất định đối với quá trình hoạt động để phù hợp với yêu cầu thay đổi, phát triển.

Cụ thể là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, điều chỉnh quy trình sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn trong hoạt động kinh doanh, tiêu chuẩn về tuyển dụng nhân sự.

Do đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật, được trang bị rèn luyện kỹ năng, đáp ứng sự thay đổi của môi trường làm việc.

Đây cũng chính là những tác động, tác nhân để thị trường lao động có sự thay đổi phù hợp trong thời gian tới.

Quá trình phát triển thị trường lao động trong các năm tới tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.

Điều đó sẽ làm thay đổi cơ cấu một số ngành nghề trong xã hội, một số nhóm ngành nghề mới sẽ xuất hiện.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố trong những năm qua, dự báo các nhóm ngành nghề có xu hướng phát triển gồm: Công nghệ mỹ thuật, tự động hóa và khoa học sáng tạo; thiết kế và mỹ thuật ứng dụng kỹ thuật công trình xây dựng và môi trường; quản trị kinh doanh, thương mại, maketting, kinh doanh tài chính; dịch vụ và quản trị dịch vụ.

Trong xu hướng phát triển thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên còn có nhóm ngành như: Chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, sư phạm và kỹ thuật giáo dục; công nghệ, nông, lâm, thủy sản, công nghệ dệt, may, văn hóa nghệ thuật và thể thao… Đây là nhóm ngành chú trọng khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

Nhu cầu nhân lực trong các nhóm ngành này đỏi hỏi phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được đào tạo chuyên sâu, có kiến thức và được rèn luyện kỹ năng tốt.

Do đó, người lao động bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn cần phải trang bị kỹ năng trong quá trình học tập cũng như làm việc để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.../.

Thanh Vũ/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tp-hcm-can-khoang-310-000-330-000-cho-lam-viec-moi-nam/156044.html