TP HCM cần cơ chế đặc thù để đầu tư loạt dự án văn hóa, thể thao

TP HCM cần cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để lĩnh vực văn hóa, thể thao có những bước đột phá mới.

Ngày 15-10, trong tham luận trình bày tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, về Chiến lược phát triển ngành văn hóa và thể thao TP đến năm 2035, ông Trần Thế Thuận, Thành ủy viên khóa X, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP cho biết so sánh với vị trí trung tâm và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân TP còn nhiều vấn đề phải nỗ lực thực hiện.

Đầu tư chưa xứng tầm

Theo ông Trần Thế Thuận, trong những năm qua, nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực văn hóa và thể thao chưa ngang tầm với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và vị trí đặc biệt củaTP. TP là trung tâm văn hóa lớn của cả nước nhưng sự phát triển của các công trình văn hóa và thể thao còn rất hạn chế, hầu hết các cơ sở vật chất phục vụ lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao chưa đủ sức hội nhập quốc tế.

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP trình bày tham luận về văn hóa, thể thao

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP trình bày tham luận về văn hóa, thể thao

Số lượng các công trình thể dục thể thao tính trên đầu người của TP là thấp nhất trong các TP trực thuộc Trung ương (15 công trình thi đấu đạt chuẩn quốc tế, khoảng 1,5 công trình/10.000 dân). TP hiện chưa có một trung tâm văn hóa, một khu liên hợp thể dục thể thao đạt tiêu chuẩn để tổ chức phục vụ các chương trình có quy mô lớn theo yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo hình thức đối tác công tư, xã hội hóa còn nhiều bất cập, thiếu cơ sở để triển khai. Chính sách kích cầu đầu tư chưa hiệu quả…

Để đầu tư phát triển cơ sở vật chất ngành văn hóa và thể thao, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao TP đã tập trung phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện thủ tục pháp lý dự án để triển khai các công trình trọng điểm mang tính biểu tượng của thành phố theo hình thức đầu tư công như: Dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc - vũ kịch; Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; Bảo tàng TP; Bảo tàng Tôn Đức Thắng; Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ…

Cần chính sách gỡ khó để đầu tư dự án trọng điểm

Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, các dự án văn hóa và thể thao còn gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư; UBND TP đã chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư trên 10 dự án theo hình thức xã hội hóa, đối tác công tư.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thế Thuận các dự án này hiện nay đều vướng mắc về cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, vì Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2020 quy định lĩnh vực văn hóa, thể thao không thuộc đối tượng được áp dụng thực hiện.

Để lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của TP, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP kiến nghị cần tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, thể thao tương xứng với tăng trưởng kinh tế - xã hội. Ưu tiên đầu tư công có trọng điểm các thiết chế văn hóa, thể thao lĩnh vực chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa, thể thao TP.

"TP cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để lĩnh vực văn hóa và thể thao TP thực hiện những bước đột phá mới, nhằm bảo đảm yêu cầu cho ngành phát triển tương xứng với tương xứng với vị trí, tiềm năng và tầm vóc của một đô thị đặc biệt" - ông Trần Thế Thuận nói.

Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế

Ở lĩnh vực giáo dục, phát biểu tham luận tại Đại hội, ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên khóa X, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP, cho biết từ quy mô và thực tế của ngành giáo dục, TP đã đề xuất xây dựng một số nhóm giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP trình bày tham luận tại Đại hội sáng 16-10

Theo đó, TP sẽ xây dựng nguồn nhân lực trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông, và sớm đưa mục tiêu "hội nhập" vào các cấp học phổ thông. Các kĩ năng cần thiết đã được chú ý, giúp học sinh TP có hành trang vững chắc để hội nhập nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, tham gia thị trường lao động toàn cầu.

Những chương trình, đề án đưa các chuẩn quốc tế về tiếng Anh, tin học, chương trình phổ thông vào nhà trường đã được xã hội, các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm, tham gia tích cực.Trong thời gian tới, giáo dục phổ thông sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/tp-hcm-can-co-che-dac-thu-de-dau-tu-loat-du-an-van-hoa-the-thao-20201016161601713.htm