TP.HCM: Cần chế tài mạnh xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế từng 'làm mưa làm gió một thời' nhưng hiện lại đang nợ đọng bảo hiểm xã hội đến hàng chục tỷ đồng.

Gần 500 con nợ

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đã công bố danh sách gần 500 doanh nghiệp (DN) nợ BHXH trên 6 tháng với trên 300 triệu đồng/đơn vị, tính đến ngày 30/9. Trong đó, đứng đầu vẫn là công ty CP Tập đoàn Mai Linh (64-68 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1) nợ gần 36 tỷ đồng.

Kế đến là công ty Komega Sports Việt Nam TNHH (địa chỉ 242 Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12), công ty TNHH Nam Phương (Lô B2-9 KCN Tây Bắc Củ Chi, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) đều có số nợ gần 27 tỷ đồng.

Vài năm gần đây, Mai Linh luôn là đơn vị “dẫn đầu” trong danh sách nói trên. Theo thông tin PV có được, từ năm 2011 đến nay, DN này luôn có doanh thu sụt giảm và thua lỗ. Tính đến ngày 30/6, khoản lỗ lũy kế của Mai Linh đã lên tới 800 tỷ đồng, gần bằng vốn góp của cổ đông là trên 1.000 tỷ đồng.

Cách đây chưa lâu, trao đổi riêng với PV, một Phó Tổng giám đốc DN này cho biết: “Công ty đã có kế hoạch đóng BHXH theo từng đợt, với lộ trình vạch sẵn”. Tuy nhiên, đến nay, số nợ BHXH của Mai Linh vẫn đứng đầu danh sách các DN nợ BHXH trên 6 tháng.

Vài năm gần đây, Mai Linh luôn “dẫn đầu” trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội.

Đối với công ty Komega Sports Việt Nam, tính đến tháng 4/2017 đã nợ gần 23,3 tỷ đồng. công ty Nam Phương cũng nợ trên 22,2 tỷ đồng. Công ty CP Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) tại quận Bình Thạnh nợ trên 14 tỷ đồng, công ty CP Vận tải Dầu khí Việt Nam (quận 3) nợ trên 13,2 tỷ đồng...

Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông (quận 1), một DN từng làm mưa làm gió trên thương trường cũng đang ngập trong nợ nần, đặc biệt là tại dự án Happyland (Long An).

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ dự án nằm bất động và chủ đầu tư rơi vào cảnh nợ nần chính là do tham vọng quá lớn trong khi năng lực chưa đủ tầm. Và đến thời điểm này, công ty này đang nợ trên 1,3 tỷ đồng BHXH tại BHXH quận 1 là điều dễ hiểu. Đại diện công ty này cho biết, dự kiến trong tháng 11 sẽ đóng số tiền nợ nói trên.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: “Hiện đang có 495 DN nợ đọng BHXH với tổng số tiền lên đến trên 641 tỷ đồng. Trong đó, có 42 DN nợ BHXH TP.HCM với tổng số tiền trên 131 tỷ đồng. Các quận, huyện có nợ BHXH lớn là quận 1, với 49 doanh nghiệp có số nợ trên 84 tỷ đồng. Trong đó, Mai Linh chiếm hơn 1/3”.

Kế đến là quận Tân Bình có tổng 45 DN, con số nợ gần 50 tỷ đồng; Bình Tân có 47 DN, nợ trên 42 tỷ đồng, quận Bình Thạnh có 30 DN, nợ gần 40 tỷ đồng. Đặc biệt, Củ Chi chỉ có 6 DN nhưng lại có số tiền nợ lên tới trên 40 tỷ đồng, huyện Bình Chánh với 23 DN nhưng có số nợ trên 32 tỷ đồng...

Ông Sang cho biết thêm: “Hiện nay, chế tài để xử lý các DN nợ đọng đã khá mạnh. Nếu DN nợ sẽ bị phạt với mức lãi suất gấp đôi lãi suất đầu tư quỹ BHXH của năm trước. Lãi suất đầu tư là 7,9% (năm 2016) thì DN nợ sẽ phải chịu mức lãi trong năm 2017, 15,8% là rất cao. Nếu so với lãi vay của các ngân hàng (khoảng 7-8%) thì các DN chiếm dụng BHXH sẽ thiệt hại rất lớn. Thậm chí, nếu đi vay ngân hàng đóng BHXH còn có lợi hơn. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn nên các DN vẫn chưa thể đóng hết”.

Nếu không đóng sẽ bị xử lý nghiêm

Trước vấn nạn nợ, chây ì đóng BHXH, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần mạnh tay với các DN này. Đặc biệt, khi các công cụ pháp luật ngày càng hoàn thiện và có đủ “độ mạnh”.

Luật sư Nguyễn Đình Hùng, đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Đầu năm 2018, khi một số điều trong luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, sẽ có những chế tài mạnh để xử những trường hợp chây ì. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là cách tổ chức thực hiện.

Trường hợp người sử dụng lao động gian dối, dùng thủ đoạn để không đóng BHXH hoặc đóng không đầy đủ từ 6 tháng trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, tùy theo mức độ mà có các chế tài khác.

Thậm chí Luật còn quy định phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm, nếu phạm các tội sau: Trốn đóng BHXH 1 tỷ đồng trở lên, trốn đóng BHXH cho 200 người trở lên, không đóng BHXH đã thu hoặc khấu trừ của người lao động”.

Hiện, TP.HCM đang có 495 DN nợ đọng BHXH với tổng số tiền lên đến trên 641 tỷ đồng.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế - tài chính, TS. Nguyễn Văn Dũng phân tích: “Rõ ràng sự lao dốc của DN đã ảnh hưởng đến người lao động mà biểu hiện là cắt giảm nhân sự, chi phí, nợ các khoản bảo hiểm... Có thể nhận thấy rõ, nhiều DN chưa đủ tầm nhưng đã đầu tư vào quá nhiều lĩnh vực, dàn trải trên nhiều mặt trận nên đã không thể kham nổi, nhất là về tiềm lực tài chính. Đây chính là đòn chí tử trong nhiều năm qua, khi có rất nhiều DN phải phá sản, chí ít cũng thu hẹp quy mô kinh doanh, sản xuất. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến các DN nợ BHXH”.

Trực tiếp thông báo nhắc nợ

Theo ông Cao Văn Sang, “nguyên nhân của tình trạng DN nợ đọng BHXH nói riêng và các loại bảo hiểm khác chính là do nhiều DN khó khăn nên dù biết là để nợ không có lợi nhưng vẫn chưa thể nộp được. Trong đó, có nhiều DN nợ từ các năm trước để lại nên nhiều. Trong thời gian tới, với nhiều biện pháp, thậm chí là thu thập số điện thoại của chủ DN để chúng tôi gửi tin trực tiếp thông báo nhắc nợ, nhằm thực hiện, có lợi cho doanh nghiệp, người lao động”.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tphcm-can-che-tai-manh-xu-ly-doanh-nghiep-no-bao-hiem-xa-hoi-a345223.html