TP.HCM: Cần 21.000 tỉ đồng phát triển giao thông đường thủy

Theo Sở GTVT, trong 30 năm tới TP.HCM cần hơn 21.000 tỉ đồng đầu tư nhằm phát huy lợi thế 110 tuyến sông, rạch với tổng chiều dài gần 1.000 km.

Sở GTVT TP vừa có báo cáo gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cung cấp số liệu, dữ liệu phục vụ lập Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Sở GTVT, trong 30 năm tới TP.HCM cần hơn 21.000 tỉ đồng đầu tư nhằm phát huy lợi thế 110 tuyến sông, rạch với tổng chiều dài 1.000 km. Trong đó, tổng số vốn gồm hơn 4.100 tỉ đồng đầu tư cho luồng tuyến, các dự án cảng. Chi phí duy tu, bảo trì các tuyến đường thủy khoảng 570 tỉ đồng mỗi năm (trong 30 năm cần hơn 17.000 tỉ đồng).

Phát triển thế mạnh về sông ngòi

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP.HCM có thế mạnh về sông ngòi. Trong đó, 110 tuyến sông, kênh rạch có chức năng giao thông thủy bao gồm tuyến đường thủy nội địa và tuyến hàng hải (tổng chiều dài 975 km) cùng hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa trải khắp trên địa bàn TP. Vì vậy, việc tập trung đầu tư mới cũng như nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông đường thủy sẽ góp phần phát triển vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch đường thủy.

Ngoài ra, mạng lưới đường thủy trên địa bàn TP xen kẽ và dày đặc trong nhiều khu vực nội và ngoại thành, hình thành các trục giao thông thủy kết nối từ trung tâm TP về các hướng đông, tây, nam, bắc ra ngoại vi và đi đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến giao thông thủy trọng điểm hiện nay đều bị vướng các công trình vượt sông với tĩnh không, khẩu độ không đảm bảo, ảnh hưởng đến quá trình khai thác vận tải thủy.

Cụ thể, trong 92 tuyến đường thủy nội địa có năm tuyến đường thủy nội địa quốc gia có tổng cộng 218 cầu. Trong đó, 102 cầu trên 66 tuyến không đảm bảo tĩnh không, khẩu độ theo quy hoạch. Từ năm 2009 đến nay có 48 cầu được cải tạo nâng cấp, song chủ yếu để giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ, chưa vì mục tiêu đầu tư đạt chuẩn cấp sông trên toàn tuyến.

Nhiều người dân lựa chọn đến TP Vũng Tàu bằng tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu. Ảnh: ĐÀO TRANG

Nhiều người dân lựa chọn đến TP Vũng Tàu bằng tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu. Ảnh: ĐÀO TRANG

Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở GTVT sẽ tập trung vào đầu tư luồng tuyến giao thông đường thủy nội địa kết nối đến cảng biển. Cụ thể, ba hướng liên kết mới gồm: bốn tuyến từ nội thành đến cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; ba tuyến kết nối khu Đông TP tới cảng Cát Lái, quận 2 và hai tuyến cảng vành đai. Song song đó, sở cũng sẽ tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics trên địa bàn TP với các trung tâm logistics như sau: Trung tâm logistics Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu công nghệ cao, Tân Kiên, Củ Chi, Hiệp Phước.

Ngoài ra, TP cũng tập trung ưu tiên đầu tư cảng thủy nội địa - cảng cạn theo đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đã phê duyệt. Đồng thời, nhằm tăng kết nối vùng, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, sở sẽ thông qua năm tuyến đường thủy nội địa gồm: Sài Gòn - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây), Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai), Sài Gòn - Thị Vải, Sài Gòn - Bến Súc, Sài Gòn - Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông).

Hướng về các tỉnh Tây Nam bộ cũng có năm tuyến: Duyên hải Sài Gòn - Cà Mau và tuyến ven biển từ TP.HCM đến Kiên Giang, Sài Gòn - Hà Tiên, Sài Gòn - Kiên Lương, Sài Gòn - Cà Mau.

Cần giải pháp huy động nguồn vốn

Theo ông Bùi Hòa An, hiện nay đối với việc khai thác hành lang sông, kênh rạch phục vụ cho kết nối các bến, đồng bộ hóa giao thông thủy - bộ, các công trình phụ trợ… phục vụ cho các tuyến giao thông thủy chưa có quy định pháp luật để sử dụng và khai thác nên còn khó khăn, cần có sự quy định tháo gỡ.

Bên cạnh đó, hệ thống cảng nội địa, cảng cạn chưa được đầu tư xứng tầm. Các công trình xây dựng kè chống sạt lở, chỉnh trang nạo vét chưa được quan tâm đúng mức. Quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, các khu du lịch dịch vụ vui chơi giải trí và thắng cảnh trên sông còn hạn chế… Do vậy, dù tiềm năng và lợi thế về vận tải hành khách rất lớn nhưng cũng chưa khai thác và kêu gọi được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông An cho rằng trong thời gian tới, ngoài nguồn vốn đầu tư hạ tầng đường thủy sử dụng vốn ngân sách nhà nước, cần phải có giải pháp huy động vốn. Đặc biệt là huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, thực hiện nhiều phương thức, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư.

Các giải pháp cần huy động vốn và hỗ trợ vốn như sau: Xây dựng cơ chế sử dụng quỹ đất trên hành lang bờ sông, kênh rạch cho tổ chức, cá nhân thuê để xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khai thác hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hiện có để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Chưa được đầu tư xứng tầm

Sở GTVT cho biết hiện nay tỉ trọng đầu tư cho đường thủy nội địa so với việc đầu tư toàn ngành giao thông vận tải chưa cao, trong khi vận tải đường thủy nội địa chiếm 48% tổng tải trọng vận chuyển của cả nước nhưng 80% vốn đầu tư lại dành cho mạng lưới đường bộ.

Cụ thể, tại TP.HCM sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường thủy năm 2019 chiếm 34,6% so với vận tải bằng đường bộ. Trong khi đó, tỉ trọng đầu tư cho đường thủy trong năm năm gần đây chỉ đạt 5,4%, tổng số vốn đầu tư cho mạng lưới giao thông đường thủy chỉ đạt 1.488 tỉ đồng so với 27.000 tỉ đồng cho ngành giao thông đường bộ.

Mới đây, trong cuộc họp về quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã kết luận cơ bản thống nhất với báo cáo của Sở GTVT gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/tphcm-can-21000-ti-dong-phat-trien-giao-thong-duong-thuy-937238.html