TP. HCM cấm đòi nợ thuê: 'Chúng tôi làm ăn chân chính'

Nhiều chủ doanh nghiệp đòi nợ ở TP. HCM lên tiếng phản đối việc đánh đồng nhiều doanh nghiệp đòi nợ thuê chân chính với cơ sở 'chui'.

Cuối tháng 9/2018, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm đã kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.

Bởi dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những hoạt động kinh doanh phức tạp, có liên quan nhiều đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, dễ bị phần tử xấu lợi dụng để hoạt động kiểu xã hội đen.

Thời gian qua trên địa bàn TP. HCM xuất hiện nhiều biến tướng từ dịch vụ đòi nợ thuê, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Để đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ) các công ty này thường sử dụng nhiều chiêu trò, đe dọa, mang tính chất xã hội đen, trấn áp khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.

Trường hợp, không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành những quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động này như quy định đồng phục của nhân viên làm công việc đòi nợ; số lượng tối đa nhân viên mỗi lần tham gia thực hiện đòi nợ đối với con nợ.

Đồng thời, cần thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ.

Hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê tại TP. HCM đang có nhiều biến tướng.

Hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê tại TP. HCM đang có nhiều biến tướng.

Ngày 29/9/2018, trao đổi với Đất Việt về kiến nghị trên, chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ H.T trên địa bàn TP. HCM tỏ ra không đồng tình.

Theo vị này, khi làm hồ sơ thành lập doanh nghiệp, cơ sở đã cam kết nhiều điều khoản không vi phạm pháp luật, không lợi dụng kinh doanh gây bất ổn tình hình xã hội... nếu làm sai sẽ bị xử lý.

"Việc của cơ quan chức năng là quản thật nghiêm, không để xảy ra tình trạng biến tương của loại hình này.

Tôi được biết những tình trạng biến tướng mà lãnh đạo thành phố đưa ra chủ yếu xuất hiện ở nhóm đòi nợ chui, chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Tôi ủng hộ cần phải xử lý thật nghiêm nhóm này. Còn với những cơ sở được cơ quan chức năng chứng nhận như chúng tôi, làm ăn chân chính thì sao lại cấm?" - vị này đặt ra câu hỏi.

Cũng theo ý kiến của chủ dịch vụ đòi nợ H.T, do tính chất của con nợ thường có tâm lý trốn tránh nên việc đòi nợ diễn ra hết sức khó khăn. Nhiều khi phải đến "bất thình lình" khiến con nợ "trở tay không kịp", không thể trốn tránh.

"Nếu trước khi đi đòi nợ mà thông báo trước cho công an phường có thể con nợ biết thường thông tin trốn chạy sẽ khó khăn cho việc đòi nợ" - vị này lo ngại.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Hữu Thành - quản lý khu vực miền Nam tại một công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ cho rằng, nhiệm vụ của cơ quan chức năng là quản lý sao cho tốt chứ không phải "cứ không quản được là cấm".

Anh Thành bày tỏ: "Dịch vụ đòi nợ thuê trên thế giới có từ lâu, các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức... đều có loại hình dịch vụ này và hoạt động rất hiệu quả. Số tiền thu hồi nợ cũng tương đối lớn.

Điều đó cho thấy trong xã hội cũng có lượng cầu nhất định về loại hình dịch vụ này. Hơn nữa, việc đòi nợ nếu không vi phạm pháp luật tại sao lại cấm?".

Theo anh Thành, cần phải xác định đúng hành vi đòi nợ có tính chất côn đồ.

"Đôi khi trong lúc làm việc, nhân viên đòi nợ phải thực hiện một số nghiệp vụ để đạt được hiệu quả cao những có lời nhắc nhở, phân tích cho con nợ hiểu và nhanh chóng thu xếp tiền trả nợ nhưng lại bị vu là hành vi đe dọa, chửi mắng..." - anh Thành chia sẻ.

Anh Thành cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do xã hội còn nhiều định kiến về dịch vụ đòi nợ thuê. Cứ nghĩ người hoạt động trong lĩnh vực này đều là côn đồ, xã hội đen nhưng cho dù lai ai cũng phải hoạt động dựa trên quy định của pháp luật.

Thành Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tp-hcm-cam-doi-no-thue-chung-toi-lam-an-chan-chinh-3366389/