TP HCM: Cả hệ thống chính trị 'căng mình' chống dịch Covid-19

Chiều 12/3, tại TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo chính quyền đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP với Thường trực các Quận ủy, Huyện ủy trên địa bàn quý I năm 2020.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Hội nghị được tổ chức nhiều điểm cầu, gồm điểm cầu Thành ủy thành phố; Điểm cầu tại Trung tâm Báo chí TP; Điểm cầu tại 24 quận, huyện, với sự tham dự của Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND Thành phố; Thường trực UBND Thành phố; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; lãnh đạo các Ban Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; lãnh đạo các Sở, Ban ngành thành phố…

Đánh giá tình hình dịch bệnh còn phức tạp

Tại Hội nghị, ông Trần Thế Thuận, Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM thông tin cơ bản, ngay từ khi xuất hiện dịch tại Việt Nam cho đến nay, Đảng bộ và các cấp chính quyền thành phố đã liên tục phối kết hợp công tác chỉ đạo và triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh, từ ngay chính từng gia đình, trường học, các cơ quan, đơn vị và tại nơi công cộng.

Ông Trần Thế Thuận nhận định, tình hình dịch bệnh thời gian tới còn phức tạp, do đó Ban Thường trực Thành ủy TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thành phố không chủ quan, lơ là trong công tác giám sát, kiểm soát, không để dịch lây lan theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan.

Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cho đến nay, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, sau 22 ngày không phát hiện trường hợp bệnh nhân mới, đến nay đã tăng lên 39 vụ trên cả nước. Riêng tại TP HCM, tổng số người được xác định dương tính với Covid-19 là 4 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện.

Ngoài ra, tổng số người nghi ngờ mắc bệnh là 108 trường hợp, trong đó 107 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính và 1 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm.

“Trong số 4 trường hợp dương tính thì hầu hết là các trường hợp đến bên ngoài, 3 trường hợp đã xuất hiện và nhờ kiểm dịch chặt chẽ đến nay TP HCM chưa phát hiện trường hợp nào lây lan trong cộng đồng. Toàn bộ các trường hợp tiếp xúc gần đối với các trường hợp trên thì đều đã được cách ly, theo dõi chặt chẽ, với thời gian giám sát là 14 ngày, đến nay cũng không ghi nhận trường hợp nào phát sinh”, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm khẳng định.

Đánh giá về tình hình dịch Covid-19, ông Lê Thanh Liêm cho rằng, diễn biến vẫn đang rất phức tạp. Trên thế giới đã có hơn 124 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác định có dịch, với 126.000 người bị nhiễmcho đến nay, 4.600 người đã chết và các số liệu vẫn đang tiếp tục gia tăng số ca nhiễm mới.

Cũng theo ông Liêm, ngay khi xuất hiện thông tin về ca nhiễm thứ 17 dương tính với Covid-19, toàn bộ hệ thống phòng chống dịch của thành phố đã tích cực vào cuộc. Trong vòng 24 giờ, thành phố đã thực hiện xác định được những người trên chuyến bay cùng bệnh nhân thứ 17 đang vào thành phố, kể cả những người ngồi trên các ghế của bệnh nhân này ở các chuyến bay sau đó. Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, vượt quá khả năng kiểm soát, Thành ủy, UBND TP đã liên tục có các chỉ đạo tới từng quận, huyện và các cơ quan/đơn vị của thành phố.

Tại Hội nghị, ông Trần Văn Thuận, Bí thư Quận ủy Q.2 chia sẻ, trong những ngày qua quận này đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung vào tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Q.2 cũng tổ chức các hội nghị trực tuyến để giải thích về diễn biến dịch bệnh mới này. Ở nhiều chung cư mới có đông người nước ngoài sinh sống, Quận ủy và UBND Quận đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, chức sắc tôn giáo để làm việc, với phương châm 5 tại chỗ.

Tính đến chiều 12/3, Q.2 đang cách ly 82 trường hợp, trong đó có 41 người nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia khác. Cũng theo ông Trần Văn Thuận, có một số trường hợp không hợp tác nhưng Q.2 vẫn kiên trì tổ chức vận động, tuyên truyền, cá biệt trường hợp suốt 2 tiếng không thuyết phục được nhưng cuối cùng với sự quyết liệt để đưa trường hợp này vào khu cách ly.

Trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục xiết chặt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với khoảng 2.000 người Hàn Quốc, hơn 500 người Trung Quốc và nhiều người nước ngoài đang tạm trú, sinh sống và làm việc trên địa bàn.

Là quận trung tâm thành phố, Quận ủy Q.1 đã thành lập Ban chỉ đạo và các đội phản ứng nhanh để thực hiện cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19.

Theo đại diện Quận ủy Q.1, hiện quận đã hoàn thành việc tập huấn cho lực lượng cán bộ, y bác sĩ để phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Quận đang cách ly 8 ca tại địa điểm tập trung và dự kiến kết thúc vào ngày 17/3. Trong khi đó, từ ngày 7/3 đến này quận đã cách ly tại nơi cư trú hơn 100 trường hợp. Quận 1 cũng thực hiện đóng cửa các quán bar, vũ trường trên địa bàn cho đến khi có thông báo mới cũng như chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP HCM.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu chính của TP HCM. (Ảnh: Hồng Phúc).

Xác định “Chống dịch như chống giặc”

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, WHO đã chính thức công bố covid-19 là đại dịch toàn cầu, do đó TP HCM đã lên kế hoạch cả hệ thống chính trị của thành phố để phòng chống dịch và coi tính mạng, sức khỏe của người dân là quan trọng hàng đầu. Trong đó, tăng cường vai trò của người đứng đầu và phải coi nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”. Thành phố cũng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp trốn không chịu kiểm tra hoặc cách ly 14 ngày theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cũng theo chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền TP HCM, thành phố sẵn sàng phương châm 5 tại chỗ, bình tĩnh trong xử lý các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Sở Y tế TP phải cam kết không để xảy ra lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung và không để nhân viên nào làm quá 12 tiếng một ngày, tránh quá tải cho cán bộ, nhân viên y tế.

“Theo mức áp dụng của trung ương Sở Tài chính TP HCM báo cáo trung ương 57.000 đồng cho các trường hợp thực hiện cách ly y tế mỗi ngày nhưng để tạo điều kiện tốt nhất cho công tác này thì thành phố vẫn nghiên cứu để chăm lo thêm, với 74.000 đồng/ngày”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Ngay trong ngày 12/3, Thành ủy TP HCM cũng ký ban hành chỉ thị 26-CT/TU về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Chỉ thị 26 của TP HCM nêu rõ dù tình hình dịch bệnh tại thành phố vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ nhưng không được phép lơ là, chủ quan. Hệ thống phòng dịch của TP được chỉ đạo phải thường xuyên cập nhật, theo dõi việc khai thác thông tin từ các ca nhiễm đang được cách ly từ các địa phương khác để triển khai điều tra, xác minh và đưa ra hướng xử lý nếu có trường hợp liên quan đến thành phố.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay cần tập trung phối hợp thực hiện.

Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch cần phát huy vai trò, trách nhiệm cao nhất, quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, vượt qua khả năng phòng chống dịch.

“Chúng ta thấy rằng trên thế giới đã công bố thành đại dịch covid-19, khách du lịch ở các quốc gia đó đến thành phố chúng ta thì đều là nguy cơ gây ra lây lan”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, cả nước hiện nay có 39 trường hợp dương tính và rất đáng lo. Hiện nay, công tác chuẩn bị phòng chống dịch của TP HCM lo dc 1.300 chỗ cách ly, đang còn hơn 700 chỗ còn trống và từ tháng 5 thì tăng dự trữ lên được hơn 5.000 chỗ cách ly. Thành phố cần mời thêm các bác sĩ và lực lượng cán bộ y tế cho công tác này và chuẩn bị thêm cả số lượng giường cho các khoa điều trị lây nhiễm để chuẩn bị cho tình huống phức tạp.

“Muốn tình hình êm thì đừng để con số lây nhiễm bị vượt quá con số 1.000 người. Khi số lượng yếu thì sẽ rất khó, do đó phải kiểm soát ngay từ lúc này”, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu.

* Cũng tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang cũng đã điều hành công tác phối kết hợp trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về kinh tế - xã hội giữa Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP với Thường trực các Quận ủy, Huyện ủy trên địa bàn.

Trong đó, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã báo cáo về tình hình thực hiện giám sát, kiểm tra trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong đó, nhìn chung tình hình vi phạm được kéo giảm, hạn chế vi phạm tràn lan.

Cụ thể, sau 6 tháng thành phố chỉ còn 3,5 vụ/ngày vi phạm trật tự xây dựng (trước đó là 8,6 vụ/ngày). Tuy nhiên, ông Võ Văn Hoan cũng thừa nhận trên thực tế cho thấy còn nhiều nội dung cần tháo gỡ. Việc thuê các đơn vị cưỡng chế gặp nhiều khó khăn do các đơn vị này ngại hoặc từ chối nhận cưỡng chế; các tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng cũng có biểu hiện chống đối hoặc tìm cách kéo dài khắc phục hậu quả, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.

Trong Quý II năm nay, thành phố sẽ xem xét lại quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa để phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi đó, đối với các trường hợp lấn chiếm, các công trình lấn chiếm trên kênh rạch sẽ bị xử lý nghiêm. Liên quan đến tuyến đường sắt số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đi qua 6 quận, với tổng diện tích ảnh hưởng phải thu hồi 251.000 m2, UBND TP HCM cũng đã thông qua chính sách bồi thường và điều chỉnh về chính sách mới về bồi thường. Tinh thần là đẩy nhanh tuyến độ của cả hai tuyến đường sắt số 1 và số 2, phấn đấu đến tháng 6 năm nay sẽ hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/tp-hcm-ca-he-thong-chinh-tri-cang-minh-chong-dich-covid-19-tintuc461295