TP.HCM: 80% trường học chọn bộ SGK lớp 1 'Chân trời sáng tạo'

Bộ sách giáo khoa (SGK) 'Chân trời sáng tạo' được lựa chọn chiếm tỉ lệ khoảng 80% (không đều ở các môn, môn tiếng Anh hơn 60%). Đây là bộ sách lần đầu tiên và duy nhất có sự tham gia của các tác giả miền Nam. Cũng vì lẽ đó, bộ sách có đặc trưng riêng với sự xuất hiện của phương ngữ, dữ liệu mang tính chất vùng miền.

Đó là nội dung được Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin tại buổi họp báo về kết quả lựa chọn SGK mới, năm học 2020 – 2021 được tổ chức tại Trung tâm Báo chí Thành phố (TP) sáng 24/6.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP cho biết, công tác triển khai lựa chọn Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 chuẩn bị cho năm học 2020 – 2021 tại TP được thực hiện công khai, minh bạch, theo đúng các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND TP. Cụ thể, quy trình chọn SGK gồm 4 bước: Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK các môn học; Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn (lưu ý SGK được lựa chọn phải được trên 1/2 số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn); Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Đáng chú ý, kết quả lựa chọn SGK của từng cơ sở giáo dục phải được công khai tại trường (trên bảng tin và cổng thông tin điện tử) để phụ huynh giám sát và chuẩn bị cho trẻ đến trường.Mặc dù gặp nhiều khó khăn do việc thực hiện giãn cách xã hội trong đợt cao điểm phòng, chống Covid-19 nhưng theo đại diện Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP đã thực hiện đúng Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT, tiến hành lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 một cách công khai, minh bạch, đúng quy trình và báo cáo kết quả đúng thời gian quy định. Tất cả các bộ SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được chọn (tùy theo môn…). Đa số các đơn vị chọn sách theo bộ để đảm bảo tính xuyên môn, liên môn khi triển khai chương trình. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị chọn theo môn học do Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT giao cho các nhà trường chủ động, thảo luận phương án lựa chọn. Sở GD&ĐT đã báo cáo UBND TP và Bộ GD&ĐT về kết quả lựa chọn sách theo quy định.

Theo đó, trong số 5 bộ SGK lớp 1 do Bộ GD&ĐT phê duyệt thì bộ SGK “Chân trời sáng tạo” được các trường tại TP lựa chọn nhiều nhất, chiếm tỉ lệ 80% (không đều ở các môn, môn tiếng Anh hơn 60%).

Cũng theo thông tin từ Sở GD&ĐT, tỷ lệ chọn bộ SGK “Chân trời sáng tạo” tại các tỉnh thành phía Nam khá lớn. Qua thống kê, có 11 địa phương chọn các đầu sách của bộ “Chân trời sáng tạo” cao hơn so với các bộ khác; 24 địa phương chọn với tỉ lệ hơn 10% và 41 địa phương chọn các đầu sách của bộ sách này.

Một số tỉnh, thành có tỷ lệ chọn đầu sách thuộc bộ sách này khá cao như: Bến Tre (90% trường học chọn cả bộ sách); Bà Rịa - Vũng Tàu (chọn các môn Tiếng Việt, Đạo Đức, Mĩ Thuật đạt 100%); An Giang (chọn các môn Tiếng Việt 91%, Toán 89%, Tự nhiên xã hội 90%, Mĩ thuật 89%, Giáo dục thể chất 88%).

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM trả lời tại cuộc họp báo vào sáng ngày 24/6/2020.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM trả lời tại cuộc họp báo vào sáng ngày 24/6/2020.

Lý giải thắc mắc của phóng viên về việc bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” được hầu hết các trường trên địa bàn lựa chọn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho biết bộ sách này có sự tham gia của những giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, tham gia trong quá trình đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá của TP nên những chủ trương, biện pháp đổi mới cũng được thể hiện nhiều và sát hợp với giáo viên TP.

Đồng thời, đây cũng là bộ sách lần đầu tiên và duy nhất có sự tham gia của các tác giả miền Nam. Có thể dễ dàng nhận thấy bộ sách này có những đặc trưng riêng, với sự xuất hiện của phương ngữ, dữ liệu mang tính đặc trưng khu vực Nam bộ. Điển hình như, sách Tiếng Việt lớp 1 có thể dùng từ “ba má” thay cho “bố mẹ”, dùng từ “ghe thuyền”… Các phương ngữ này thân thuộc, gần gũi với lứa tuổi học sinh tiểu học ở khu vực này. Khi giáo viên tham gia lựa chọn sách giáo khoa, các bộ sách đã đáp ứng đúng chương trình của Hội đồng thẩm định quốc gia, việc lựa chọn sách gần gũi với địa phương là hoàn toàn dễ hiểu.

“Chúng tôi rất mong sự đa dạng và trên thực tế, các trường cũng chọn nhiều đầu sách khác nhau của 5 bộ sách mà Bộ GD&ĐT đã thẩm định" – ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm.

Buổi họp báo thu hút sự quan tâm đặc biệt của phóng viên các cơ quan báo, đài trên địa bàn. Có 22 câu hỏi được các phóng viên đặt ra. Trong đó tập trung vào các vấn đề như: Giá thành của SGK mới; sự hỗ trợ của ngành giáo dục và TP đối với học sinh khó khăn khi giá thành SGK mới cao hơn SGK hiện hành? Bao giờ bộ SGK mới có mặt trên thị trường và phụ huynh có thể mua ở những đâu? Trong trường hợp học sinh chuyển trường mà trường học mới sử dụng 1 bộ SGK khác thì có ảnh hưởng gì hay không? Tương tự, theo Luật giáo dục mới (có hiệu lực từ 01/7/2020) thì UBND các tỉnh, thành phố sẽ lựa chọn bộ SGK mới, vậy nếu những trường năm nay chọn bộ SGK không trùng với bộ SGK mà TP chọn trong năm sau thì có ảnh hưởng đến việc dạy và học của các trường? Công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện như thế nào khi các trường chọn lựa khác nhau?...

Trả lời những vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, cho biết hiện nay, theo Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT thì các trường được chủ động chọn bộ sách, thậm chí được chọn sách theo tùy môn học… Với các trường chọn sách theo bộ môn, phụ huynh có thể sẽ gặp khó khăn khi gom mua đúng, đủ bộ sách nơi trường con mình theo học. Về việc này, phụ huynh có thể đăng ký mua sách với nhà trường, trên cơ sở đó, nhà xuất bản sẽ phân phối sách về trường. Như vậy sẽ tránh được sách giả, và đầu cơ sách. Hiện tại, cả 5 bộ SGK mới đều chưa phát hành ra thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, giá thành của 5 bộ sách mới dao động quanh ngưỡng 300 ngàn đồng/bộ, cao gấp 3 lần bộ SGK hiện hành. Nguyên nhân giá SGK tăng cao như vậy do từ trước đến nay, hệ thống giáo dục phổ thông đang dùng SGK do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành theo nhiệm vụ chính trị, SGK khi đến tay các em học sinh đã được trợ giá. Việc đưa vào 5 bộ SGK mới là một hình thức xã hội hóa, chống độc quyền trong phát hành SGK, sách không còn được trợ giá nên giá thành cao hơn bộ SGK hiện hành.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm, TP sẽ dùng ngân sách đầu tư kho SGK dùng chung, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể đăng ký mượn theo bộ môn hoặc thậm chí mượn cả bộ SGK.

Liên quan đến việc nếu học sinh chuyển trường, ông Hiếu khẳng định, việc này sẽ không ảnh hưởng đến quá trình thi cử, đánh giá năng lực của các em. Theo quy định, học sinh chỉ được chuyển trường vào cuối mỗi học kỳ, hoặc kết thúc năm học (nếu thay đổi chỗ ở), sau khi đã hoàn thành việc kiểm tra. Mặt khác, nội dung kiểm tra theo khung kiến thức chuẩn, tất cả các bộ SGK đều đảm bảo. Nên dù học sinh học theo bộ SGK nào cũng vẫn đảm bảo khung kiến thức chung.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng chia sẻ, vấn đề khó khăn là bộ SGK mới được thiết kế cho chương trình dạy và học bán trú. Trong khi đó, trên địa bàn TP vẫn còn nhiều quận, huyện có tỉ lệ học bán trú chỉ trên 20% nên sẽ có nhiều thiệt thòi cho học sinh. Giải pháp khắc phục trước mắt là tận dụng ngày thứ 7 trong tuần để tổ chức các hoạt động trải nghiệm chung cho các em. Song, tinh thần của Sở là các trường phải ưu tiên cho học sinh lớp 1 được học bán trú để các em tiếp cận trọn vẹn nhất chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhật Xuân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/tp-hcm-80-truong-hoc-chon-bo-sgk-lop-1-chan-troi-sang-tao/20200624021128490