TP.HCM: 5,1 tỷ USD kiều hối, 55% về từ Mỹ

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, trong năm 2018, tổng lượng kiều hối đổ về TP.HCM là 5,1 tỷ USD, trong đó Mỹ vẫn là quốc gia có nguồn kiều hối gửi về lớn nhất với 55%; tiếp theo là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc....

Kiều hối đổ về TP.HCM năm 2018 là 5,1 tỷ USD (Ảnh: IT)

Ngân hàng “tung chiêu” hút kiều hối

Theo các chuyên gia kinh tế và khảo sát của Dân Việt tại nhiều ngân hàng thương mại (NHTM), dịp cuối năm âm lịch, lượng ngoại tệ gửi về nước cho người thân, gia đình tăng cao. Vì vậy, nhiều NHTM cũng đua nhau “tung chiêu” khuyến mãi để thu hút kiều hối. Chẳng hạn, tại DongA Bank, ngân hàng này công bố giải thưởng bằng vàng miếng SJC cho khách gửi USD bốc thăm may mắn.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng tặng tiền trực tiếp kèm quà tặng có giá trị cho người nhận kiều hối dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank) cũng đang triển khai chương trình "Chuyển tiền đón Tết - Gắn kết tình thân". Theo đó, khi khách hàng nhận kiều hối từ Western Union tại Nam A Bank với số tiền từ 200 USD trở lên (hoặc tiền tệ khác quy đổi tương đương) sẽ được tặng 50.000 đồng cho mỗi giao dịch. Ngoài ra, NamA Bank cũng cho phép khách nhận kiều hối từ Western Union tại bất kỳ điểm giao dịch nào của ngân hàng trên toàn quốc với thủ tục đơn giản và an toàn mà không cần mở tài khoản, không bị giới hạn số tiền chuyển…

Còn tại Vietcombank, ngân hàng này cũng có chương trình trao giải thưởng lên tới 1 triệu đồng cho mỗi kênh nhận tiền mà khách hàng sử dụng…

“Nắn” dòng kiều hối vào 7 chương trình đột phá

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, xác nhận với Dân Việt con số chính thức lượng kiều hối gửi về TP.HCM trong năm 2018 là 5,1 tỷ USD. Tuy nhiên, ngân hàng chưa có con số thống kê cụ thể về tỷ lệ lượng kiều hối này đổ vào các lĩnh vực nào.

“Trước đây, tỷ lệ kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 70 - 72%, vào bất động sản khoảng 22% và còn lại là hỗ trợ người thân. Tuy nhiên, hiện nay NHNN chi nhánh TP.HCM đang đánh giá lại tỷ lệ kiều hối này theo tiêu chí mới và cũng đang hướng dòng kiều hối vào 7 chương trình đột phá nên đang cơ cấu tỷ lệ này theo giải pháp mới sao cho hiệu quả nhất”, ông Minh nói.

Được biết, 7 chương trình đột phá của TP.HCM đang được NHNN chi nhánh TP hướng dòng kiều hối chảy vào gồm: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường và Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

Trong khi đó, Luật sư - Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, con số 5,1 tỷ USD kiều hối đổ vào Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi sau động thái tăng liên tục lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhiều nền kinh tế khác cũng có xu hướng thắt chặt lại tiền tệ, là một điều rất đáng ghi nhận. Đó là chưa kể, lãi suất USD tại Việt Nam đã giảm về 0% từ 2 năm nay.

“Mục tiêu của kiều hối không phải là để lấy tiền lãi mà nó có khá nhiều mục tiêu khác, trong đó có mục tiêu lớn nhất là để đầu tư. Cụ thể một mặt là đầu tư lĩnh vực bất động sản, mặt khác là để hỗ trợ người dân khám chữa bệnh, đi du lịch… chưa tính là mục tiêu chuyển tiền về để phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Trong trường hợp dòng kiều hối này gửi tạm vào ngân hàng thì chỉ là kênh để tạm gửi mà thôi, chứ phần lãi chỉ là 0% thì không thể cạnh tranh được. Trong khi đó, lãi suất cơ bản của FED là 2,25% tới 2,5%, lãi suất cơ bản như thế thì lãi thị trường cỡ khoảng 2,5%-2,7% (lãi suất tiền gửi) nên dù có tăng 1%-2% cũng chẳng ăn thua”, ông Tín nói.

Ở một khía cạnh khác, ông Tín cũng giải thích thêm về hiện tượng dòng kiều hối đổ về Việt Nam cho người thân đổi ra tiền đồng và gửi ngân hàng lấy lãi suất cũng khá khả thi. Theo ông Tín, lãi suất tiền VNĐ thời điểm cận tết nguyên đán này cũng khá tốt, lãi suất huy động tiền đồng ở một số ngân hàng đã lên trên 8%/năm, mức cao nhất lên 8,5-8,6%/năm. Sau khi chuyển lại tiền USD thì việc kiểm soát tỷ giá của NHNN vào khoảng 2-3%, tính ra cũng khá có lợi.

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/tphcm-51-ty-usd-kieu-hoi-55-ve-tu-my-951589.html