TP HCM: 1.500 tỉ đồng xây nhà hát xứng tầm quốc tế

UBND TP HCM cần lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu đủ năng lực để phát huy hiệu quả đầu tư của dự án nhà hát, tránh lãng phí ngân sách

Ngày 8-10, HĐND TP HCM khóa IX đã tổ chức kỳ họp thứ 10 - bất thường - để thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, trong đó có dự án xây Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch (nhà hát) sử dụng vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM). Sau 3 giờ thảo luận, các đại biểu (ĐB) HĐND TP đã thông qua dự án này.

Năm 2020 sẽ khởi công

Trình dự án trên tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết nhà hát có quy mô 1.700 chỗ với 2 khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện từ năm 2018-2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Nguồn vốn để thực hiện từ nguồn thu bán đấu giá khu đất ở số 23, Lê Duẩn, quận 1.

Nhấn mạnh về tính cần thiết của dự án, ông Liêm nói TP văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học mà còn các giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình văn hóa xứng tầm. "Trước đây vào thời Pháp thuộc, TP có 3 nhà hát: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc TP) và Nhạc viện TP. Nay chỉ còn Nhà hát TP là một nhà hát đúng nghĩa. Còn các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế" - ông Liêm lý giải.

Ngoài ra, theo ông Liêm, nhà hát sẽ góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân TP trong bối cảnh hội nhập với quốc tế; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, các giá trị mang nét đặc trưng của nhân dân TP. Ông Liêm khẳng định: "Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (bìa phải) trao đổi với các lãnh đạo HĐND, UBND TP tại kỳ họp Ảnh: PHAN ANH

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (bìa phải) trao đổi với các lãnh đạo HĐND, UBND TP tại kỳ họp Ảnh: PHAN ANH

Đồng tình TP phải có một nhà hát tầm cỡ nhưng ĐB Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng khi xây nhà hát ở Thủ Thiêm thì phải tính toán đến việc kết nối không gian. Bởi đây là việc rất quan trọng, khán giả đến đây ngoài thưởng thức nghệ thuật còn hưởng thụ không gian văn hóa. Trong khi đó, ĐB Võ Thị Ngọc Thúy đề xuất nhà hát phải có biểu tượng và điểm nhấn khác biệt.

Trước băn khoăn của ĐB, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Trần Vương Thạch cho biết TP thiếu nhà hát lớn ở cấp TP lẫn quận, huyện. Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP được xây dựng từ 1993 nên đã cũ, không đủ sức chứa những hoạt động nghệ thuật quy mô lớn. "Nhiều dàn nhạc giao hưởng lớn không ghé Việt Nam biểu diễn vì chưa có nhà hát đủ tiêu chuẩn kỹ thuật lẫn diện tích" - ông Thạch nói. Ở góc độ cơ quan chuyên ngành, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huỳnh Thanh Nhân cho hay TP sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế do UBND TP làm chủ tịch hội đồng, mời các chuyên gia kiến trúc nghệ thuật tham gia, để đến năm 2020 có thể khởi công xây dựng nhà hát.

Nhu cầu có thật

Thông tin thêm, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan chia sẻ gần 45 năm sau giải phóng, TP có đầu tư cho văn hóa nhưng không đáng kể. 10 năm trước, TP đã mua dàn nhạc giao hưởng nhưng chưa có nơi để đặt cho đúng vị trí.

Trước lo lắng TP đang cần nguồn vốn lớn cho các dự án chống ngập, kẹt xe nhưng lại đầu tư nhà hát hơn 1.500 tỉ đồng là chưa cần thiết, ông Hoan cho rằng phải tính tới phát triển bền vững, cân bằng. "Dĩ nhiên, đô thị phát triển thì phải cải thiện được chuyện kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường nhưng đồng thời cũng tính đến nhu cầu phát triển trong tương lai. Người ta đến một quốc gia có thể kẹt xe, ngập nước thì họ thấy cũng chưa phải là tốt nhưng nếu không có những thiết chế văn hóa thì cũng không ổn. Mình làm gì thì làm nhưng cũng phải phát triển cả hai mặt như vậy" - ông Hoan nêu quan điểm. Ông Hoan mong người dân chia sẻ với một TP lớn như TP HCM thì cần phải phát triển cân đối, hài hòa để vừa khắc phục những mặt tồn tại ở hạ tầng kỹ thuật nhưng cũng phải đầu tư những mặt như giáo dục, văn hóa, y tế. Đó là phát triển đồng đều, bền vững.

Là đơn vị thẩm tra tờ trình, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Nguyễn Văn Dũng cho rằng cần thiết phải xây Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch. Tuy nhiên, ông Dũng đề nghị UBND TP cần lựa chọn nhà tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp đủ năng lực để phát huy hiệu quả đầu tư của dự án, tránh lãng phí.

Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, đây là một dự án, một thiết chế văn hóa đã được ấp ủ của lãnh đạo TP các thời kỳ, được đề cập trong nhiều nghị quyết Thành ủy. Do đó, bà Tâm đề nghị UBND TP, các ngành chức năng khẩn trương triển khai, nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến nhân dân, các chuyên gia, đặc biệt là các nhà quản lý trong ngành văn hóa, nghệ thuật, các văn nghệ sĩ để có một nhà hát xứng tầm của TP và khu vực với chất lượng thiết kế, xây dựng tốt nhất, bảo đảm nhất, hợp lý nhất các công năng mang tầm thế kỷ các yêu cầu về kỹ thuật và mỹ thuật.

Tăng cường thanh tra công vụ

Tại kỳ họp, HĐND TP HCM cũng thông qua Quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP giai đoạn 2018-2020; phân cấp thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc TP quản lý;... Đáng chú ý, chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công (đợt 1/2018) cũng được HĐND TP thông qua với việc phê duyệt đầu tư 45 dự án nhóm B sử dụng vốn cân đối ngân sách TP với tổng mức đầu tư gần 8.500 tỉ đồng. Trong đó, đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, HĐND TP lưu ý UBND TP cần dự báo đánh giá về giá trị tăng thêm ngân sách thu được khi thực hiện đầu tư, tránh thất thoát ngân sách; rà soát chặt chẽ pháp lý dự án, bảo đảm trình tự thủ tục theo quy định pháp luật.

Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND các cấp, các ngành triển khai ngay, đồng bộ các biện pháp để các nội dung trên đi vào cuộc sống. "UBND TP cần tăng cường thanh - kiểm tra, nhất là thanh tra công vụ để kịp thời phát hiện những sai sót, hạn chế để chấn chỉnh; xử lý nghiêm minh những khuyết điểm, vi phạm" - bà Tâm đề nghị.

Ng.Phan

Giám sát chặt "sữa học đường"

Đề án chương trình Sữa học đường dù được thông qua nhưng các ĐB HĐND TP HCM cũng đưa ra nhiều lưu ý.

ĐB Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng việc lựa chọn đơn vị cung cấp sữa, quá trình đấu thầu phải bảo đảm sự công khai, minh bạch nhằm bảo đảm chọn lựa các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm sữa phù hợp. Đồng thời, cần tôn trọng các trẻ mà phụ huynh chưa muốn tham gia chương trình Sữa học đường. Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cho biết không chỉ đấu thầu công khai mà còn có cơ chế giám sát chặt chẽ từ cơ quan dân cử, trong đó có sự tham gia giám sát của báo chí và phụ huynh. ĐB Trâm cũng lo ngại về việc nhà cung cấp sữa "móc nối" với đơn vị tổ chức chương trình để có hợp đồng. Theo ĐB Trâm, chương trình Sữa học đường nếu không được thực hiện một cách cẩn thận thì sẽ gây ra tai tiếng, mất niềm tin trong phụ huynh, học sinh.

Giải đáp băn khoăn của ĐB, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn khẳng định trong quá trình xây dựng đề án sở đã tổ chức lấy ý kiến rất kỹ đối với tất cả sở - ngành liên quan, với 24 quận - huyện và phụ huynh, học sinh, nhà trường. Ông Sơn cũng cam kết quy trình đấu thầu sẽ thực hiện đúng luật, công khai, minh bạch. Ông Sơn cho biết đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc, không lấy việc tham gia hay không tham gia để đánh giá học sinh.

Theo đề án, mỗi trẻ mẫu giáo và tiểu học sẽ được uống 1 hộp sữa dung tích 180 ml/lần/ngày với 5 lần/tuần trong 9 tháng của năm học. Cụ thể từ năm học 2018-2019, TP HCM sẽ triển khai chương trình Sữa học đường, hướng đến đối tượng là trẻ em mẫu giáo và thí điểm đối với học sinh tiểu học ở 5 huyện ngoại thành của TP HCM. Từ năm 2019-2020, TP sẽ tiếp tục mở rộng chương trình khắp các quận - huyện trong TP. Kinh phí thực hiện dự án được phân bổ theo tỉ lệ ngân sách 30%, doanh nghiệp cung ứng sữa 20% và phụ huynh 50%. Riêng đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; học sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập thì ngân sách 50%, doanh nghiệp 50%. UBND TP HCM tính toán tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án giai đoạn 2018-2020 là hơn 1.134 tỉ đồng, trong đó ngân sách hơn 348 tỉ đồng, phụ huynh học sinh đóng góp hơn 547 tỉ đồng và công ty cung cấp sữa là hơn 239 tỉ đồng.

PHAN ANH - Ý LINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/1500-ti-dong-xay-nha-hat-xung-tam-quoc-te-2018100822231183.htm