TP. Hà Nội: Sàng lọc đảng viên bỏ sinh hoạt đảng - Việc không thể không làm : Bài 2: Không để khó khăn thành lực cản

Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là cấp cơ sở phải thường xuyên đẩy mạnh rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Thanh lọc, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên là một vấn đề rất khó và phức tạp, nhưng không thể không làm. Không để khó khăn cản sự phát triển, phải quyết liệt hành động, giữ cho tổ chức đảng vững từ 'gốc' là chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Còn nhiều vướng mắc

Việc đưa ra khỏi đảng những đảng viên vi phạm kỷ luật luôn được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Tuy nhiên, với những đối tượng đảng viên không chấp hành đầy đủ quy định sinh hoạt đảng, thiếu tính gương mẫu, có biểu hiện suy thoái thì việc rà soát, sàng lọc lại khó khăn hơn bởi còn nhiều vướng mắc. Đồng chí Vũ Đức Loan, Bí thư Chi bộ 12, Đảng bộ phường Thanh Lương cho biết: Chi bộ tiến hành các thủ tục xem xét xóa tên 2 đảng viên vi phạm quy định sinh hoạt đảng. Nhưng trong quá trình làm thủ tục có nhiều khó khăn: Phải 3 lần sinh hoạt cấp ủy, lập biên bản gặp gỡ, lập danh sách, báo cáo thời gian không sinh hoạt, không đóng đảng phí các kỳ. Nhưng khó hơn là có những đồng chí không gặp được, không liên lạc, không hợp tác để có thể hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Văn Xuân, Bí thư Đảng ủy phường Thanh Lương chia sẻ: Đối với đảng viên, chi ủy yêu cầu làm bản kiểm điểm, kiểm điểm trước chi bộ, nếu đảng viên đó không đến thì chi bộ có thể làm thủ tục xóa tên gửi cấp ủy có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, quy định như vậy nhưng hồ sơ, thủ tục chứng minh được chi ủy làm được điều đó là cả vấn đề. Có những trường hợp 3-4 năm mới có thể xóa tên 1 đảng viên bởi vướng thủ tục như vậy. Chúng tôi đề nghị, đối với việc xóa tên hoặc kỷ luật đảng viên cần có hướng dẫn cụ thể hơn để dễ thực hiện.

Đảng ủy xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ) thường xuyên chú trọng tiến hành công tác rà soát, sàng lọc đảng viên đi làm ăn xa. Năm 2018, 2019, Đảng bộ đã rà soát, làm thủ tục gửi cấp ủy có thẩm quyền xóa tên 5 đảng viên do bỏ sinh hoạt đảng. Dư luận, quần chúng nhân dân luôn quan tâm vì sao đảng viên bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên nên Huyện ủy Chương Mỹ chỉ đạo các tổ chức đảng, đảng bộ phải làm đúng, chặt chẽ theo quy trình. Nắm bắt tâm tư đảng viên, tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhưng nếu đảng viên vẫn không cố gắng, phải kiên quyết đưa ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Kiên quyết sàng lọc là để thanh lọc, làm trong sạch Đảng, tạo động cơ phấn đấu đúng đắn cho quần chúng ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Đảng viên bỏ sinh hoạt tạo ra một tiền lệ xấu, làm giảm uy tín của đảng viên, tổ chức đảng. Khi các địa phương phát động phong trào thi đua, việc vận động quần chúng tham gia sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Bên cạnh những khó khăn từ quy trình, thủ tục thì tâm lý e ngại, nể nang, né tránh, “dễ người dễ ta” đang là tâm lý khá phổ biến khi tiến hành xem xét, thực hiện các thủ tục xóa tên đảng viên do bỏ sinh hoạt đảng. Đồng chí Trịnh Tiến Tường, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ chia sẻ:Vì cùng quê hương, hàng xóm, tình nghĩa đồng chí, bạn bè, e ngại, nể nang nên dẫn đến việc tuy đã rà soát, sàng lọc nhưng khi thực hiện xử lý đảng viên bỏ sinh hoạt đảng vẫn khó.

Tổ chức đảng, nhất là chi bộ mất vai trò lãnh đạo, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng. Hiện tượng này phổ biến nhất ở các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp sau khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn và làm ăn thua lỗ, không tạo được việc làm cho người lao động, thậm chí những quyền lợi tối thiếu của người lao động như lương, bảo hiểm xã hội không được bảo đảm. Cấp ủy cùng với lãnh đạo doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh mà không quan tâm đến hoạt động của tổ chức đảng, thậm chí tổ chức đảng không hoạt động, đảng viên là người lao động tìm kiếm việc làm không quan tâm thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, dẫn đến bỏ sinh hoạt đảng thời gian dài. Năm 2018, Đảng bộ TP. Hà Nội tiến hành sắp xếp 6 đảng bộ tổng công ty, khi tiến hành chuyển giao các TCCSĐ đảng về các đảng bộ quận, huyện, thị xã thuộc Đảng bộ TP. Hà Nội và các đảng bộ khác trực thuộc Trung ương có nhiều chi bộ trong tình trạng này. Đảng bộ Cảng Hà Nội (Quận Hai Bà Trưng) sau cổ phần hóa, từ 200 đảng viên xuống còn 10 đảng viên, số đảng viên còn lại đã sinh hoạt đảng ở đâu vẫn đang là một dấu hỏi lớn!

Nhiều đảng viên sau khi nghỉ hưu chọn hình thức “tự ra khỏi Đảng” bằng cách không nộp giấy sinh hoạt đảng và hồ sơ đảng viên cho tổ chức đảng nơi đảng viên được giới thiệu đến sinh hoạt. Tình trạng “tự ra khỏi Đảng” theo cách này không phải cá biệt. Công tác quản lý đảng viên ở Đảng ủy Khối Các trường đại học, cao đẳng Hà Nội gặp nhiều khó khăn vì số lượng đảng viên thường xuyên có biến động. Mỗi năm, Đảng bộ Khối kết nạp khoảng 2.000 đảng viên, có khoảng 3.000 lượt đảng viên chuyển sinh hoạt. Đặc biệt, số lượng đảng viên là sinh viên rất lớn, khoảng 2.000 đảng viên. Theo quy định, sau khi ra trường, đảng viên là sinh viên chỉ được duy trì sinh hoạt với tổ chức đảng của trường tối đa 12 tháng. Hết thời gian trên, không ít đảng viên là sinh viên rơi vào tình trạng không có nơi sinh hoạt đảng khi làm việc ở đơn vị không có tổ chức đảng, sinh hoạt đảng nơi cư trú cũng khó thực hiện vì thay đổi chỗ ở, tạm trú.... Theo số liệu phân tích tình hình đảng viên bỏ sinh hoạt đảng của Thành ủy Hà Nội, đảng viên là sinh viên bỏ sinh hoạt đảng chiếm tỷ lệ 12%. Tuy chưa có thống kê số lượng đảng viên bỏ sinh hoạt đảng chưa bị xử lý toàn thành phố là bao nhiêu nhưng hiện tượng này đặt ra vấn đề còn “lỗ hổng” trong quy trình chuyển sinh hoạt đảng.

Ngoài ra, cũng cần rà soát, sàng lọc với các đối tượng đã được các cấp ủy có thẩm quyền xem xét miễn sinh hoạt Đảng, bởi nhận diện đúng đối tượng cho miễn sinh hoạt đảng không hề dễ, chưa có định lượng cụ thể cho việc thực hiện. Nếu cấp ủy nhận diện chưa đúng thì vô tình đã "hợp thức hóa" việc nghỉ sinh hoạt đảng cho các đảng viên mà kỳ thực là họ không còn thiết tha với Đảng, ý thức tổ chức kỷ luật kém.

Quyết tâm hành động

Không chỉ rà soát, sàng lọc mà phải kiên quyết loại những đảng viên vi phạm quy định sinh hoạt đảng ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Đảng bộ TP. Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp: kiểm soát chặt “đầu vào”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; quản lý phiếu báo chuyển sinh hoạt đảng; tiếp nhận chuyển sinh hoạt đảng; quản lý đảng viên đi làm ăn xa, định kỳ đối khớp danh sách đảng viên…

Các Quận ủy Hai Bà Trưng, Tây Hồ và Huyện ủy Quốc Oai thực hiện tốt việc quản lý phiếu báo chuyển sinh hoạt đảng định kỳ để phát hiện trường hợp vi phạm. Cán bộ phụ trách chuyển sinh hoạt đảng lập sổ theo dõi, phân loại, nắm rõ trường hợp nào đã có phiếu báo chuyển sinh hoạt đảng nhưng chưa nộp hồ sơ, để kịp thời nhắc nhở và nếu quá thời gian quy định không nộp giấy chuyển sinh hoạt đảng, quận ủy đề nghị các đảng ủy phường phải có hướng xử lý. Nhưng hiện nay việc chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên còn nhiều bất cập, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức chuyển đi và chuyển đến nên nhiều đối tượng lẳng lặng bỏ sinh hoạt đảng. Thậm chí nhiều tổ chức đảng do giải thể, chia tách, sáp nhập… không thể thực hiện việc phiếu báo chuyến sinh hoạt đảng. Do vậy, phải có sự phối hợp của các tổ chức đảng thực hiện viết phiếu báo chuyển sinh hoạt đảng và thống nhất về thời điểm rà soát, bởi quy trình, thủ tục chuyển sinh hoạt đảng thay đổi qua các nhiệm kỳ đại hội.

Theo Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20-9-2016 của BCH Trung ương Đảng "Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng", nếu đảng viên ra ngoài địa phương nơi cư trú có lý do chính đáng và thời gian dưới 12 tháng thì chi bộ xét, đề nghị đảng ủy cơ sở cho đảng viên được tạm miễn sinh hoạt đảng và công tác trong thời gian đó. Hết thời gian phải có nhận xét của cơ quan, chính quyền địa phương ở nơi đến để chi bộ bố trí sinh hoạt đảng trở lại. Nếu ở nơi đến, đảng viên không thực hiện được việc đăng ký tạm trú, hết thời gian trên phải làm bản tự kiểm điểm về việc giữ gìn tư cách đảng viên, báo cáo chi bộ để chi bộ xét cho sinh hoạt đảng trở lại. Do vậy, nếu đảng viên không chủ động thực hiện thì rất khó để tổ chức đảng quản lý. Để khắc phục điều này, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo cấp ủy các cấp lập sổ theo dõi, phân loại đảng viên đi làm ăn xa xin tạm miễn sinh hoạt đảng để có đánh giá đúng thời điểm, thời gian đảng viên xin miễn sinh hoạt đảng. Qua đó kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, không để thời gian kéo dài.

Tăng cường công tác nắm bắt tư tưởng đảng viên, kịp thời phát hiện những đảng viên bỏ sinh hoạt đảng mà không có lý do chính đáng, động viên, giáo dục, thuyết phục đảng viên tham gia sinh hoạt đảng đầy đủ là giải pháp quan trọng theo Kế hoạch 130-KH/TU của Thành ủy Hà Nội. Đồng chí Đặng Tiến Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ) khẳng định: Đảng bộ tiếp nhận một số đảng viên chuyển sinh hoạt đảng từ quân đội, do điều kiện đi làm ăn xa, một số đảng viên khi được giao nhiệm vụ đã không nhận. Chi bộ động viên, nhắc nhở, tạo mọi điều kiện nhưng nếu đảng viên không xác định rõ trách nhiệm của mình, không tiên phong, gương mẫu nhận nhiệm vụ tổ chức đảng phân công thì không còn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đường Hoài Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy khẳng định:Có một số nơi còn tình trạng nể nang do tình làng, nghĩa xóm không nỡ đưa đồng chí của mình ra khỏi Đảng. Cần khắc phục tình trạng né tránh, đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Tăng cường tính chiến đấu, tự phê bình, phê bình và trách nhiệm của đảng viên trong sinh hoạt chi bộ để giữ vững sự trong sáng, chất lượng của mỗi tổ chức đảng là nhiệm vụ cấp bách. Các tổ chức đảng phải thực hiện chặt chẽ quy định Điều lệ Đảng về chế độ sinh hoạt đảng, đã là đảng viên phải chấp hành nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Trong trường hợp ý thức đảng viên tốt, chi bộ hoạt động tốt rất dễ có tiếng nói chung. Nhưng nếu ngược lại, cần kiên quyết xử lý nghiêm minh.

Cần phải khẳng định, Nhân dân giảm sút niềm tin với Đảng không phải từ đường lối, chủ trương, chính sách lớn. Điều mà nhân dân bất bình, lo lắng là các đảng viên đang mất dần tính gương mẫu, uy tín thấp, trong đó có việc đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt đảng. Khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, tất cả đảng viên đều ý thức được mình là chiến sĩ tiên phong, được rèn luyện, tự giác cống hiến, phục vụ nhân dân. Vì thế, nêu gương, đi đầu, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ là lẽ đương nhiên, là nhiệm vụ thường ngày của mỗi đảng viên. Vậy nên khi đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt đảng là đã tự mình từ bỏ mục tiêu, lý tưởng mình đã phấn đấu. Chúng tôi có dịp gặp gỡ trao đổi với những đồng chí đảng viên tuổi đời, tuổi đảng đều cao, khâm phục trước ý chí, sự cống hiến hết mình cho Đảng, cho nhân dân của họ. Đảng viên Trịnh Ngọc Trình, 85 tuổi đời, gần 60 năm tuổi đảng, sinh hoạt đảng tại Chi bộ 5, Đảng bộ phường Thành Công, khẳng định: Đảng viên không có tuổi hưu. 11 tuổi tôi đã theo Đảng. Khi vào Đảng, tôi đã nắm tay thề nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Tôi vẫn tiếp tục phấn đấu để làm gương cho lớp trẻ, cho uy tín, danh dự và sự trường tồn của Đảng. Ông là tấm gương cho ý chí, nghị lực và tấm lòng cao cả, là một trong 10 gương tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội được vinh danh năm 2018. Đảng viên Trần Văn Nho, sinh hoạt tại Chi bộ 3 Đảng bộ phường Thanh Lương đã 96 tuổi nhưng vẫn tham gia sinh hoạt đảng đều đặn là biểu hiện cho ý thức trách nhiệm với Đảng, nêu gương giáo dục tư tưởng chính trị cho các đảng viên trong chi bộ. Và còn nhiều, nhiều đảng viên ở Thủ đô Hà Nội hằng ngày, hằng giờ phát huy vai trò nêu gương, phục vụ nhân dân. Vậy nên, không thể để những đảng viên không còn tha thiết với Đảng, bỏ sinh hoạt đảng, làm mất danh dự, ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của Nhân dân với Đảng đứng trong hàng ngũ của Đảng.

(Còn nữa)

Bài cuối: Xây dựng Đảng bộ TP. Hà Nội mạnh từ "gốc"

Diệp Chi

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/dang-vien/2019/13101/bai-2-khong-de-kho-khan-thanh-luc-can.aspx