TP Hạ Long: Số hóa cơ sở dữ liệu đất đai

Để đảm bảo quản lý đất đai một cách minh bạch, góp phần phòng ngừa các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực này, TP Hạ Long đang đẩy nhanh hoàn thiện xây dựng dữ liệu cơ sở về đất đai. Việc số hóa lĩnh vực này sẽ là một trong những tiền đề thúc đẩy Hạ Long cơ bản trở thành đô thị thông minh vào cuối năm 2020.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai cho người dân.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, khoảng 80% số đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có liên quan đến lĩnh vực đất đai. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đơn thư, khiếu nại, tố cáo là do việc xác minh nguồn gốc sử dụng đất của các hộ dân, tổ chức không nhất quán, chưa đúng quy định. Do đó, UBND tỉnh đã quyết định triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Quảng Ninh. Để thực hiện được dự án này, bắt buộc các địa phương phải chuẩn hóa được tất cả các dữ liệu, hoàn thiện, chỉnh lý biến động đất đai, cập nhật dữ liệu bản đồ địa chính. Với quyết tâm số hóa cơ sở dữ liệu đất đai một cách sớm nhất, từ năm 2019 đến nay, TP Hạ Long đã tập trung triển khai 2 hạng mục lớn của dự án là đo vẽ bản đồ địa chính, cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) và kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

Tuy nhiên, do khối lượng hồ sơ để cấp đổi, cấp mới giấy CNQSDĐ của TP Hạ Long lên tới 170.000 hồ sơ (nhiều nhất so với các địa phương trong tỉnh) nên việc triển khai 2 hạng mục này gặp không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên là bản đồ địa chính của thành phố được đo vẽ vào năm 1997 trên tọa độ HN-72; trong khi đó từ năm 2000 đến nay, toàn quốc đang sử dụng thống nhất hệ tọa độ VN-2000. Hai hệ tọa độ này được xây dựng theo một hệ quy chiếu nhất định. Vì vậy, khi lồng ghép bản đồ địa chính đo vẽ năm 1997 với bản đồ địa chính được thành phố cập nhật mới vào năm 2017 đã dẫn đến những sai số nhất định. Bên cạnh đó, thành phố trong 10 năm trở lại đây đã có sự biến động rất lớn về đất đai, các địa phương lại tự chỉnh lý bản đồ theo phương pháp thủ công, nên không có sự khớp nối giữa các hồ sơ.

Khó khăn nữa là do nhu cầu vay vốn lớn, rất nhiều người dân thành phố đã mang giấy CNQSDĐ đi thế chấp ngân hàng, chưa thấy được lợi ích khi cấp đổi lại, nên không cung cấp hồ sơ cho thành phố. Điều này đã khiến cho việc xét duyệt hồ sơ mất rất nhiều thời gian.

Việc số hóa cơ sở dữ liệu đất đai sẽ giúp TP Hạ Long thuận lợi trong công tác quản lý, GPMB. (Dự án đường nối KCN Cái Lân với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đã triển khai được trên 80% khối lượng công việc). Ảnh: Đỗ Phương

Trước thực trạng này, TP Hạ Long đã thành lập Ban chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo công tác cấp giấy CNQSDĐ, hằng quý Ban chỉ đạo kiểm điểm tiến độ, phân công rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ tiến độ cho từng thành viên; ký hợp đồng với 11 đơn vị tư vấn để triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, phường; yêu cầu các đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các tổ dân, khu phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về lợi ích của dự án, từ đó tự giác làm các thủ tục cấp giấy CNQSDĐ. Đồng thời việc cấp đổi, cấp mới giấy CNQSDĐ đã được tập trung triển khai trước ở những khu đô thị đo vẽ theo bản đồ mới; những hồ sơ cấp mới, cấp bổ sung cũng được Văn phòng Đăng ký sử dụng đất đai thành phố tăng cường công tác xét duyệt ngoài giờ hành chính, những ngày nghỉ.

Đến thời điểm này, TP Hạ Long đã thực hiện xong công tác đo đạc bản đồ tại các xã, phường. Sau khi nhận bàn giao bản đồ địa chính, thành phố đã hoàn thành cấp mới, cấp đổi trên 40.000 giấy CNQSDĐ theo số liệu đo vẽ địa chính. Việc cấp giấy CNQSDĐ theo kết quả đo đạc địa chính đã tạo sự thống nhất giữa hồ sơ và thực tế sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải quyết tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Đặc biệt đã đáp ứng nhu cầu của công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh và thành phố trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Tuấn Phú, Giám đốc Văn phòng Đăng ký sử dụng đất đai thành phố, cho biết: Việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính, hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai không chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Lưu trữ tập trung giúp minh bạch trong cung cấp thông tin cho người dân về chỉ giới, mốc giới, hạn chế được tranh chấp, khiếu kiện, góp phần phát huy hiệu quả sử dụng đất, làm lành mạnh môi trường đầu tư. TP Hạ Long quyết tâm hoàn thành các hạng mục của dự án cơ sở dữ liệu đất đai trong năm 2021.

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202010/tp-ha-long-so-hoa-co-so-du-lieu-dat-dai-2505964/