TP Đà Nẵng: Thiết thực từ các chương trình an sinh xã hội

Những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đột phá, mang đậm tính nhân văn, như: Chương trình thành phố '5 không', thành phố '3 có', thành phố '4 an'… Đến nay, nhiều mục tiêu của các chương trình đã thành hiện thực, góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, yên bình, văn minh và hiện đại.

Những kết quả ấn tượng

Trước năm 2000, TP Đà Nẵng đối diện với nhiều vấn đề xã hội bức xúc, như: Tình trạng mù chữ, nghèo đói, tội phạm… Trước thực trạng trên, TP Đà Nẵng ban hành Chương trình thành phố “5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy và không có giết người để cướp của). Đến năm 2005, thành phố tiếp tục ban hành Chương trình thành phố “3 có” (có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị). Từ năm 2016, TP Đà Nẵng triển khai Chương trình thành phố “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội). Ông Lê Trung Chinh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định: “Đây là những chủ trương mang đậm tính nhân văn, đột phá, được các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn thành phố nhiệt tình hưởng ứng thực hiện. Kết quả đạt được của các chương trình góp phần xây dựng TP Đà Nẵng ngày càng văn minh, yên bình và đáng sống”.

Thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, TP Đà Nẵng đã xây dựng các chính sách đặc thù riêng, tập trung huy động nguồn lực của Nhà nước và cộng đồng xã hội hỗ trợ gần 6.000 hộ nghèo có mức thu nhập thấp nhất, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau hai năm thực hiện, mục tiêu “không có hộ đói” đã hoàn thành, thành phố chuyển sang thực hiện “không có hộ đặc biệt nghèo”. Đến nay, Đà Nẵng cơ bản không còn hộ đặc biệt nghèo. Mục tiêu “không có người mù chữ” chuyển sang “không có học sinh bỏ học nửa chừng vì lý do kinh tế” (năm 2009) được tập trung phổ cập ở tất cả cấp học trên địa bàn. Đến nay, toàn thành phố “không có học sinh bỏ học” do hoàn cảnh khó khăn. Mục tiêu “không có người lang thang xin ăn” được thành phố duy trì thực hiện quyết liệt, xử lý triệt để, không còn tình trạng người ăn xin, trở thành thương hiệu của Đà Nẵng được du khách trong và ngoài nước biết đến. Đối với mục tiêu “không có người nghiện ma túy”, “không có giết người để cướp của” được cả hệ thống chính trị vào cuộc với các giải pháp đột phá. Nhờ đó, tình trạng người nghiện được kiểm soát chặt chẽ, các vụ giết người, cướp của giảm rõ rệt...

 TP Đà Nẵng đưa vào sử dụng hàng chục nghìn căn hộ chung cư, nhà liền kề, giải quyết chỗ ở cho đối tượng.

TP Đà Nẵng đưa vào sử dụng hàng chục nghìn căn hộ chung cư, nhà liền kề, giải quyết chỗ ở cho đối tượng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện mục tiêu "có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị" gắn với Chỉ thị số 43-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” được triển khai quyết liệt. Nhờ vậy, ý thức chấp hành các quy định về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của người dân và du khách có sự chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, thực hiện Chương trình thành phố "4 an", TP Đà Nẵng tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang, xử lý các điểm đen giao thông, nút giao thông ùn tắc; lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những vấn đề bức xúc về thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm... góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm.

Nâng tầm các mục tiêu đáp ứng tình hình mới

Thực tế cho thấy, các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” thời gian qua đã trở thành thương hiệu riêng của Đà Nẵng. Các chương trình này đem lại hiệu quả thiết thực, đời sống nhân dân được cải thiện; diện mạo đô thị, làng quê được quy hoạch, chỉnh trang theo hướng văn minh, hiện đại. Cùng với đó, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và giáo dục thanh thiếu niên của thành phố đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện nay, TP Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội mới, như: Tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại, tín dụng đen, người xin ăn biến tướng, người nghiện sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa và có xu hướng gia tăng... Vì vậy, thời gian tới, TP Đà Nẵng cần điều chỉnh, bổ sung, nâng tầm một số mục tiêu trong các chương trình trên phù hợp tình hình mới. Theo đó, TP Đà Nẵng nên điều chỉnh mục tiêu “không có học sinh bỏ học” sang “không có trẻ em bị bạo hành trong gia đình và nhà trường” hoặc “không xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình thành phố “5 không” thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết: “Nhìn lại kết quả 20 năm thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, có thể ghi nhận hai mục tiêu “không có hộ đặc biệt nghèo” và “không có học sinh bỏ học nửa chừng vì lý do kinh tế” cơ bản đã hoàn thành. Các mục tiêu “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng”, “không có giết người để cướp của” và “không có người lang thang xin ăn” vẫn cần được tiếp tục đồng hành với Chương trình thành phố “4 an”.

Trước những vấn đề xã hội nảy sinh, thời gian tới, TP Đà Nẵng nên tích hợp mục tiêu “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng” với mục tiêu “an ninh trật tự”, “không có người lang thang xin ăn” với mục tiêu “an sinh xã hội”; “có nhà ở” và “có việc làm” vào mục tiêu “an sinh xã hội” trong Chương trình thành phố “4 an”; tích hợp mục tiêu “có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” vào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chứ không xem là một mục tiêu độc lập trong Chương trình thành phố “3 có” như hiện nay. Để đạt được các mục tiêu trên cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng cũng như các du khách. Có như vậy, các chương trình trên mới đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng TP Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp, yên bình, văn minh và hiện đại.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tp-da-nang-thiet-thuc-tu-cac-chuong-trinh-an-sinh-xa-hoi-623016