TP Đà Lạt: 'Làm sạch' thị trường nông sản

Những đặc sản hấp dẫn của Đà Lạt thường được du khách mua về làm quà cho người thân nhưng đã và đang bị làm giả, nhái, nhập nhèm nguồn gốc… Thực tế này không chỉ khiến người tiêu dùng thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đến uy tín, thương hiệu chung của đặc sản Đà Lạt.

Hiện nay, đặc sản được trồng, chế biến và đóng gói ngay tại Đà Lạt có rau, củ, quả sấy khô, hồng sấy, hồng treo công nghệ Nhật Bản, mứt dâu, kẹo dâu, nước cốt dâu, nước cốt chanh dây, chuối laba sấy dẻo, khoai lang dẻo, các sản phẩm từ atiso… Thị trường tiêu thụ chủ yếu là khách du lịch đến Đà Lạt chiếm trên 60%, đại lý phân phối ngoài tỉnh trên 30%. Thế nhưng, tại chợ Đà Lạt và các cơ sở kinh doanh hàng đặc sản Đà Lạt khác, lại đang bày bán rất nhiều loại hàng đặc sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, có màu sắc sặc sỡ, tươi ngon, bắt mắt như: Mứt mận, ô liu, mứt me, kiwi dẻo, mít sấy,… dưới nhãn mác “đặc sản Đà Lạt”.

Cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất, chế biến, và kinh doanh hàng đặc sản Đà Lạt

Thực trạng trên không chỉ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến trên 180 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, và kinh doanh các mặt hàng đặc sản Đà Lạt. Trước vấn nạn này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có nhiều nỗ lực đề ra giải pháp khắc phục, nhưng do sự phối hợp chưa nhịp nhàng, lực lượng quản lý thị trường quá mỏng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răng đe…; nhiều quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính còn nhiều bất cập so với thực tiễn; một số văn bản pháp luật khi áp dụng trong xử phạt hành chính còn quy định chưa cụ thể, thiếu văn bản hướng dẫn, khó áp dụng…khiến kết quả vẫn chưa như mong muốn.

Hiện nay, một trong những mục tiêu chiến lược của tỉnh Lâm Đồng là phấn đấu đưa Đà Lạt trở thành “Thành phố du lịch văn minh”. Chính vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc hàng đặc sản Đà Lạt thông qua mã số, mã vạch (MSMV) là hết sức cần thiết. Đó là một trong các công nghệ nhận dạng tự động, nếu áp dụng với đặc sản Đà Lạt, MSMV không những để quản lý bán hàng tự động, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI),... mà còn được áp dụng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Có thể nói, với đặc sản Đà Lạt, MSMV không chỉ bảo vệ, tăng tính cạnh tranh cho thương hiệu, mà còn chống gian lận thương mại, loại bỏ được hàng giả mạo mà còn góp phần nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm trong sản xuất, chế biến, và kinh doanh hàng đặc sản Đà Lạt.

Được biết, Sở Công Thương Lâm Đồng cũng đã xây dựng và trình dự thảo Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng đặc sản Đà Lạt”.

10 tháng đầu năm 2018, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện 1.446 vụ vi phạm; trong đó có 171 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Quỳnh Mỹ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-da-lat-lam-sach-thi-truong-nong-san-114073.html