Toyota tiếp tục dẫn đầu doanh số bán ôtô toàn cầu trong năm 2022

Toyota cho biết công ty đã bán tổng cộng 9,56 triệu xe hơi trên toàn thế giới, tính từ tháng Một đến tháng 11/2022 trong khi đối thủ lớn Volkswagen gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc.

Ôtô mới tại trung tâm phân phối của Toyota ở cảng Long Beach, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ôtô mới tại trung tâm phân phối của Toyota ở cảng Long Beach, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Toyota dẫn đầu thị trường trong bối cảnh đối thủ lớn Volkswagen (VW) gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc vì các cuộc phong tỏa chống dịch và tình trạng thiếu chip.

Toyota cho biết hôm 26/12 rằng công ty đã bán tổng cộng 9,56 triệu xe hơi trên toàn thế giới, tính từ tháng 1 đến tháng 11/2022.

Con số này ngang bằng với doanh số cùng kỳ năm 2021, qua đó giúp hãng vượt đối thủ Volkswagen và dẫn đầu thị trường toàn cầu trong năm thứ 3 liên tiếp.

Công ty sản xuất ôtô Nhật Bản đã bán được nhiều hơn 2,14 triệu xe so với Volkswagen.

Doanh số của Toyota đã tính cả các xe do hai công ty con là Daihatsu Motor và Hino Motors sản xuất trong năm 2022. Trong khi đó, VW chứng kiến doanh số bán hàng trong cùng thời kỳ giảm 9%.

Nếu muốn đánh bại Toyota, trong tháng 12 này công ty phải tăng doanh số bán xe lên cao gấp 3 lần mức trung bình hàng tháng thì mới có cơ hội.

Kể cả khi không tính tới doanh số của các công ty con trong tập đoàn, một mình thương hiệu Toyota vẫn có thể đánh bại VW, nếu xét theo mức doanh số hiện tại.

Phong độ kinh doanh mạnh mẽ ở Trung Quốc và Đông Nam Á đã giúp Toyota thăng tiến trong năm nay, dù cả ngành công nghiệp sản xuất ôtô vẫn đang chật vật đáp ứng nhu cầu thị trường, do những vấn đề như thiếu hụt chất bán dẫn đã làm đình trệ sản xuất trên toàn cầu.

Doanh số bán hàng của riêng công ty mẹ Toyota, chưa bao gồm Daihatsu và Hino, tại Trung Quốc đã tăng 2%.

Nỗ lực đẩy mạnh công suất sản xuất xe hơi trong mùa Hè đã giúp Toyota khai thác tốt sự phục hồi nhu cầu của thị trường, trước đó bị suy giảm do đại dịch COVID-19.

Trong các loại xe Toyota sản xuất, hai mẫu sedan Corolla và Camry đặc biệt bán chạy. Xe thể thao đa dụng của hãng cũng được ưa chuộng ở Đông Nam Á. Toyota ghi nhận mức tăng trưởng hai con số ở Indonesia và Thái Lan.

Ở phía bên kia của cuộc đua, Volkswagen không đạt kết quả kinh doanh tốt ở châu Á. Doanh số bán hàng của công ty ở Trung Quốc giảm 6% và chỉ tăng 6% ở phần còn lại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hoạt động phong tỏa để chống dịch của Trung Quốc đã làm gián đoạn nguồn cung cấp phụ tùng và hoạt động vận chuyển hàng hải, thậm chí còn ảnh hưởng đến sản xuất tại nhà máy Wolfsburg rất quan trọng của VW.

Trung Quốc chiếm khoảng 40% doanh số bán ôtô mới của Volkswagen, so với mức 20% của Toyota, hãng gia nhập thị trường muộn hơn đối thủ.

Nhưng quy mô kinh doanh nhỏ hơn của Toyota ở Trung Quốc mang tới một lợi thế là hãng chịu tác động khá hạn chế từ tình trạng phong tỏa kéo dài và vấn đề thiếu chip bán dẫn.

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đã từng dự đoán doanh số bán xe mới sẽ tăng trong năm nay.

Nhưng các quy định chống dịch rất nghiêm của Trung Quốc, được áp đặt trong phần lớn năm 2022, đã khiến một số đại lý bán xe không thể hoạt động và buộc các nhà sản xuất ôtô phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cho đến khi chính sách này được nới lỏng gần đây.

Việc nới lỏng có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Toyota và Volkswagen vào tháng 12.

Nhưng sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mới trên khắp Trung Quốc có thể sẽ lại cản trở nhu cầu tiêu dùng xe mới từ tháng 1/2023 trở đi.

Dù phát triển ở Trung Quốc, Toyota gặp khó khăn ở thị trường Bắc Mỹ và Nhật Bản.

Doanh số bán hàng của công ty giảm khoảng 10% tại mỗi thị trường do khan hiếm chip làm giảm nguồn cung các mẫu xe hiệu suất cao, vốn sử dụng số lượng lớn chip.

Doanh số bán hàng của Volkswagen cũng giảm 7% tại thị trường Tây Âu, vốn là "sân nhà" của hãng.

Oliver Blume, người đã trở thành giám đốc điều hành của Volkswagen vào tháng Chín, cho biết: “Những thách thức đối với chuỗi cung ứng của chúng tôi sẽ trở thành quy luật chứ không phải ngoại lệ.

Dù thua về doanh số, Volkswagen vẫn dẫn trước Toyota về xe điện, được coi là lĩnh vực chứa nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của ngành.

Công ty sản xuất ôtô Đức đã bán được 360.000 xe điện trong ba quý đầu năm 2022, đạt mức tăng trưởng 25%.

Trong khi đó, Toyota chỉ bán được chưa đầy 20.000 chiếc và buộc phải ban hành lệnh thu hồi bZ4X, mẫu xe điện sản xuất hàng loạt đầu tiên của hãng.

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng Ba, Toyota đã lên kế hoạch sản xuất 9,7 triệu xe ôtô.

Công ty đã giảm khoảng 500.000 xe so với ước tính ban đầu, phần nào cho thấy tình trạng thiếu chip vẫn gây ảnh hưởng tới ngành.

Tuy nhiên vấn đề này đã có dấu hiệu cải thiện. Sản lượng toàn cầu của Toyota hiện đã tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao kỷ lục trong tháng 11.

Việc có thể quay trở lại sản xuất bình thường sẽ giúp Toyota giảm lượng đơn đặt hàng tồn đọng, và giảm sự chậm trễ trong việc giao hàng.

Giám đốc điều hành của một nhà cung cấp linh kiện cho trang tin Nikkei biết rằng “thời kỳ thiếu hụt chip tồi tệ nhất đã qua."

S&P Global dự báo doanh số bán xe chở khách mới trên toàn cầu tăng 6% trong năm tới lên 83,6 triệu chiếc. Nhưng công ty đánh giá tác động của tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2024./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/toyota-tiep-tuc-dan-dau-doanh-so-ban-oto-toan-cau-trong-nam-2022/838144.vnp