Tốp thợ mộc chuyên dựng nhà tặng người nghèo

Chuyện mới nghe ngỡ là cổ tích. Nhưng lại là sự thật 100% tại phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ khi nhiều năm nay, những nhóm từ thiện làm nghề mộc đã tặng hàng trăm ngôi nhà cho người nghèo.

Tổ từ thiện của ông Liếp đang dùng xe thô sơ chở nhà đi tặng hộ nghèo. Ảnh: TRẦN TUẤN

“Nhiều quá rồi, không nhớ nổi”

Theo con đường Quốc lộ 91 từ trung tâm TP.Cần Thơ đi được khoảng 50km là thấy phường Tân Lộc nằm bên kia sông. Muốn đến phường phải đi phà qua sông Hậu. Khi vừa bước chân lên bờ, hỏi nhà “ông Liếp từ thiện” ai cũng biết, rồi nhiệt tình chỉ rõ. Gọi là phường nhưng nhà cửa của người dân nơi đây còn khá thưa thớt, hầu hết vẫn còn là những ngôi nhà mái tôn khá nhỏ, nằm lặng lẽ dưới những rặng dừa xanh mướt, trải dài.

Trời đã gần đứng bóng nhưng ngay bên đường, một tốp thợ đang hì hục bốc gỗ lên chiếc xe ba gác tự chế để chuẩn bị chở đi đâu đó. Hỏi ra, đây chính là xưởng mộc từ thiện của ông Liếp ở khu vực Phước Lộc, phường Tân Lộc với cái biển tên “Tổ trại mộc từ thiện”. Ông Trần Ngọc Liếp năm nay đã 63 tuổi, da ngăm đen, nét mặt phúc hậu nhưng ra dáng khắc khổ.

Rót chén trà đặc mời khách, ông Liếp kể, trước đây gia đình ông cũng nghèo lắm, nhưng rồi nhờ chăm chỉ, gây dựng được mấy chục công ruộng nên thoát nghèo, cuộc sống khá dần lên. “Khi mình thoát nghèo, có được nếp nhà tươm tất thấy hạnh phúc lắm. Nghĩ vậy, nên tôi muốn làm một cái gì đó để những người nghèo bớt khổ hơn. Vậy là tôi tính dựng lại cho họ căn nhà gỗ để không phải sống trong mái nhà lá xiêu vẹo, dột nát. Nghĩ là làm rồi làm riết đến giờ luôn” - ông Liếp kể cơ duyên làm từ thiện của mình.

Theo lời ông Liếp, vào khoảng năm 2011, gia đình ông có một vườn bạch đàn lớn đã đến tuổi cắt làm gỗ, nếu bán thì cũng bỏ túi vài ba chục triệu. Nhưng rồi, một hôm trong làng có hộ dân nhà xiêu vẹo, sắp đổ cần gỗ để dựng lại nên ông vô tư bảo “Cần bao nhiêu thì cứ đến cắt về mà làm”.

Một nhà, hai nhà, rồi nhiều nhà xin cho đến khi vườn cây hết nhẵn. Thấy vui khi người nghèo trong làng có được nếp nhà tươm tất hơn từ sự giúp đỡ của mình nên khi không còn gỗ, ông Liếp lấy tiền túi giúp, rồi còn nhiệt tình đi mua gỗ về cho người nghèo làm nhà. Từ đó hình thành nên tổ mộc từ thiện dựng nhà giúp người nghèo như hiện nay.

Với bề dày tặng nhà cho người nghèo, tổ từ thiện của ông Liếp nhận được nhiều bằng khen của chính quyền.

Ông chia sẻ thêm hiện trong tổ từ thiện của mình có khoảng 30 người. Họ là những người dân trong phường. Bình thường nếu gia đình có việc thì cứ đi làm việc nhà. Còn lúc rảnh rỗi thì tự nguyện đi cắt cây, đến xưởng mộc đục đẽo, cưa xẻ để làm bộ khung nhà gỗ tặng người nghèo.

Đến bữa thì ai nấy tự về nhà mình ăn cơm. Trong tốp thợ tại xưởng mộc từ thiện của ông Liếp có ông Nguyễn Văn Hiệp là già nhất. Năm nay ông đã 70 tuổi, nhà ở khu vực Đông Bình. Hỏi sao lớn tuổi không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe? ông Hiệp tay bê gỗ sắp lên xe, hồn nhiên nói lớn: “Đi làm thế này thấy vui, ăn uống được, ngủ cũng ngon. Chứ ở nhà không làm gì mới mệt chớ”.

Tôi hỏi ông Liếp, đến nay đã tặng được bao nhiêu ngôi nhà cho người nghèo, ông Liếp gãi đầu, gãi tai nói: “Chú hỏi đột ngột quá, mà cũng làm nhiều quá rồi, không nhớ nổi”. Nói rồi ông Liếp nhẩm tính, vài năm đầu, mỗi năm làm 40 - 50 nhà. Sau đó cạn tiền dần nên làm mỗi năm tầm hơn 20 nhà.

Từ đầu năm 2018 đến nay đã làm được 7 nhà.Nguồn kinh phí đâu ra để làm được nhiều nhà đến vậy? Ông Liếp nói, gia đình có 18 công ruộng và 3 công vườn trồng cây ăn quả nên mỗi vụ thu hoạch, ông dành phần lớn để làm từ thiện. Ngoài ra, các con ông cũng giúp và nhiều nhà hảo tâm khắp gần xa cũng ủng hộ để nhóm từ thiện của ông có kinh phí duy trì hoạt động từ thiện được thường xuyên.

Đã tặng 303 nhà cho người nghèo

Cách tổ từ thiện của ông Liếp tầm vài cây số là tổ từ thiện của ông Trương Văn Kiềm. Ông Kiềm năm nay 65 tuổi, nhà ở khu vực Đông Bình. Khi chúng tôi đến, thấy khá vắng vẻ, ông Kiềm giải thích “anh em thợ mới ăn cơm xong đã về nghỉ trưa cả rồi”. Vậy là ở tổ ông Kiềm có chút khác so với tổ ông Liếp là anh em thợ được gia đình nấu cơm cho ăn ngay tại xưởng mộc. Nhà của ông Kiềm khá nhỏ, đã cũ, nhìn bề ngoài thì cũng chẳng khá hơn nhà các hộ dân xung quanh là mấy.

Ông Kiềm kể, vào khoảng năm 2003, trong một lần đi hái thuốc nam, vào một nhà dân quá nghèo. Nhà xiêu vẹo, một mái đã đổ mà không có tiền sửa. Người con trai chán chường suốt ngày rượu chè, bị mẹ càm ràm thì vung tay đánh mẹ. Thấy cảnh bất hiếu của người con như vậy có lẽ là vì nghèo, túng quẫn mà sinh ra nên ông Kiềm hứa sẽ giúp làm lại ngôi nhà mới.

Nói là làm. Từ khi giúp gia đình đó có nhà mới, ông Kiềm thấy vui rồi phóng khoáng giúp thêm nhiều nhà khác. Thế là nên duyên dựng nhà từ thiện cho đến nay đã tròn 15 năm. Nhóm dựng nhà từ thiện của ông Kiềm lúc nhiều có 20 người, ít cũng có 10 người thường xuyên làm việc tại xưởng mộc để làm sẵn khung nhà, ai cần sẽ tặng. Ông Kiềm kể, không chỉ tặng nhà cho người trong phường, mà nhóm của ông đã tặng cho người nghèo ở 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Khi đang tiếp chúng tôi, bỗng có khách lạ. Ông Kiềm giới thiệu đó là chú Lê Văn Mười, nhà ở tận tỉnh Sóc Trăng lên xin nhà về cho người nghèo. “Hôm trước cho chú ấy hai nhà rồi. Hôm nay lên xin tiếp để về cho người nghèo khác” - ông Kiềm kể.

Tôi hỏi, thế có về tận Sóc Trăng kiểm tra thực tế không? ông Kiềm hồn nhiên: “Thì tin chú ấy nên cho thôi. Không lẽ chú ấy nói đi xin nhà về cho người nghèo mà lại bán, ai đời lại mất đức vậy được chứ”. Hiện mỗi ngôi nhà gỗ mà nhóm từ thiện của ông Kiềm tặng cho người nghèo có giá trị tầm 20 triệu đồng. Họ tặng bộ khung nhà gỗ, còn gia chủ vay mượn thêm để hoàn chỉnh. Theo lời ông Kiềm, khoảng 2 năm đầu, khi mới làm từ thiện, vợ con ông phản đối dữ lắm nhưng dần rồi vợ cũng ủng hộ vì hiểu được ý nghĩa từ việc làm của ông.

Hỏi 15 năm qua, đã tặng bao nhiêu nhà cho hộ nghèo? Ông Kiềm nhẩm rồi nói: “Vậy là làm được 303 nhà rồi đó chú. Ngoài gia đình tui đóng góp, cũng nhờ nhiều nhà hảo tâm khắp gần xa ủng hộ thêm, rồi anh em trong tổ tự nguyện giúp ngày công. Chứ không thì làm gì có được con số lớn như vậy”.

Ông Kiềm không giàu nhưng có 5 người con, mà con ông mỗi người có đến 20 công ruộng, nên ông cứ xin các con kiểu quay vòng để có tiền duy trì hoạt động từ thiện được lâu dài. Tiễn chúng tôi về, ông Kiềm chỉ xuống cái ao lớn trước nhà nói: “Gỗ mua về tập kết đó để đục đẽo làm nhà đó chú. Tính ra cũng làm được tầm 5 - 7 nhà nữa, mới phải gọi điện xin các con tiếp viện thêm”.

Không bao giờ quên ơn

Tìm đến một số hộ từng được các nhóm từ thiện của ông Liếp, ông Kiềm tặng nhà, ai nấy đều không ngớt lời cảm ơn những lòng tốt hiếm có trong thiên hạ này. Chị Nguyễn Thị Kim Phượng (44 tuổi, nhà ở khu vực Đông Bình) kể, 3 năm trước, chồng chị đổ bệnh thoái hóa cột sống, không làm ra tiền, nhà lá xiêu vẹo, còn lo cho con cái theo học nên không có tiền dựng lại nhà, phải sống cảnh nơm nớp sợ nhà sập lúc nào không hay.

Rất may sau đó được ông Kiềm cho hẳn một ngôi nhà mới nên sống yên ổn đến hôm nay. “Không còn từ nào để nói hết niềm vui khi được chú Kiềm tặng nhà. Gia đình tôi suốt đời không quên ơn chú ấy” - chị Phượng xúc động nói.

Một trường hợp khác khá hy hữu, đó là gia đình ông Lê Hồng Tuấn cũng ở khu vực Đông Bình. Một năm trước, vì nghèo không có tiền làm nhà ra riêng cho con trai đã lấy vợ. Rất may được ông Kiềm thương tình tặng nhà cho con trai ra riêng. Biết ơn ông Kiềm và cảm nhận được hạnh phúc nhường nào khi giúp người nghèo có nhà ở, ông Tuấn tình nguyện vào nhóm từ thiện của ông Kiềm luôn cho đến nay để không có của thì giúp công.

Ông Đỗ Trung Ngôn - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc - nói rằng, ở phường có 3 nhóm từ thiện chuyên dựng nhà tặng người nghèo từ nhiều năm nay. Đó là nhóm của ông Liếp, ông Kiềm, ông Lê Thánh Chiểu. “Chúng tôi cũng không thống kê, nhưng họ đã tặng nhà cho người nghèo nhiều lắm rồi, không chỉ tặng trong phường mà còn tặng ở những nơi khác.

Tính ra, họ đã tặng hàng trăm ngôi nhà rồi” - ông Ngôn nói. Cũng theo ông Ngôn, việc làm của các nhóm từ thiện trên rất thiết thực, được phường ghi nhận và hằng năm có khen thưởng để động viên, nhân rộng. “Phải khẳng định rằng, thời gian qua, hộ nghèo ở phường giảm nhanh. Trong đó, có sự đóng góp lớn bằng việc xóa nhà tranh tre tạm bợ của nhóm từ thiện ông Liếp, ông Kiềm, ông Chiểu” - ông Ngôn ghi nhận.

Rời phường Tân Lộc, thấy vẫn còn đó nhiều ngôi nhà lá, nằm khuất dưới rặng dừa. Tin tưởng rằng, với những lời tự bạch “còn làm chứ chưa tính đến ngày nghỉ” của các nhóm từ thiện trên thì chắc rằng trong nay mai, những ngôi nhà lá đó chỉ còn là quá khứ đã xa.

TRẦN TUẤN - HOÀNG TÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/top-tho-moc-chuyen-dung-nha-tang-nguoi-ngheo-604016.ldo