Top những địa điểm tâm linh tuyệt vời ở Nam Định mà bạn nên đến vào mùa Vu Lan năm nay

Lễ Vu Lan là dịp để mỗi người Việt Nam hướng về nguồn cội, tỏ lòng hiếu kính với đấng sinh thành và các bậc tiền nhân... Đối với các bạn ở Nam Định nên đến những địa điểm tâm linh tuyệt vời ở quê hương mình để có một mùa Vu Lan đầy ấm áp, yêu thương.

Theo quan điểm của người Việt, ngày rằm tháng 7 được coi là ngày quan trọng nhất trong năm bởi vì đó là ngày 'xá tội vong nhân'. Mọi người đi chùa, thắp hương khấn Phật, cầu siêu để mang lại may mắn, an lành cho những người thân trong gia đình. Đây cũng là ngày Vu Lan báo hiếu cha mẹ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng. Trong dịp lễ này, người dân nói chung và bà con Phật tử ngoài việc lên chùa cài hoa hồng, tụng kinh cầu siêu tỏ lòng biết ơn với ông bà tổ tiên, còn cúng dường trai tăng, công đức để cha mẹ được sống trong cực lạc.

Bông hồng đỏ được cài lên ngực những người may mắn còn mẹ, ảnh: internet.

Chùa Thánh Ân, chùa Đại Thánh Quán, chùa Keo Hành Thiện, đền Trần… là những địa điểm linh thiêng ở Nam Định mà các bạn nên đến vào lễ Vu Lan năm nay.

1. Chùa Thánh Ân

Chùa Thánh Ân ở số 45 phố Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Tương truyền chùa Thánh Ân (còn có tên là Chùa Cả) được xây dựng vào thời Trần, đã được trùng tu nhiều lần. Kiến trúc hiện nay được tái thiết từ năm 1982 với quy mô rộng lớn, làm cơ sở tu học, chiêm bái cho đông đảo tăng ni trong tỉnh, du khách và thập phương bá tánh, trong chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ và cổ vật có giá trị.

Ảnh: mytour.vn

Vào năm Cảnh Lịch thứ 6 đời Mạc Phúc Nguyên (1553) chùa được xây dựng ở Bến Ngự là nơi tu hành của một số hoàng phi, công chúa thời Trần. Đến thời Mặc Đăng Chính (1530-1539) nước sông Vị Hoàng lên to, bờ sông lở nhiều, người họ Trần ở đất Vị Hoàng chuyển chùa về vị trí hiện nay.

Ảnh: mytour.vn

Chùa được xây kiểu chữ đinh, chính điện thờ Phật, bên phải dựng đền thờ thần Tản Viên, bên trái thờ Cao Mang Ðại vương, một vị tướng dưới trướng của Linh từ Quốc mẫu thời Trần, người đã có công lớn giúp vua Trần phản công chiến lược thắng giặc Nguyên Mông lần thứ nhất.

Ảnh: mytour.vn

2. Chùa Đại Thánh Quán

thường gọi là chùa Đệ Tứ, tọa lạc ở thôn Đệ Tứ, xã Lộc Hạ, ngoại thành Nam Định, tỉnh Nam Định. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Theo tư liệu của Sở Văn hóa – Thông tin Nam Định, chùa xưa là hành cung thứ 4 do nhà Trần xây dựng, sau dân sở tại dùng chữ Đệ Tứ làm tên xã, dựng chùa thờ Phật và thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (Hoàng tử thứ 6 của vua Trần Thái Tông), đã được phong Thái úy Quốc công (1302), Tá Thánh Thái sư (1324) và Đại Vương (1328).

Ảnh: tintucnamdinh.vn

Ngôi chùa ngày xưa to lớn, kiến trúc kiểu “Nội Công Ngoại Quốc”, nay còn nhiều cổ vật của các thời Trần, Lê, Nguyễn. Ngôi chùa mới ngày nay do Sư cô Thích Nữ Minh Chiếu trụ trì, được xây dựng nhỏ nhưng bài trí điện Phật và điện thờ Đại Thánh thật tôn nghiêm. Hàng năm chùa tổ chức lễ chính kỵ Ngài vào ngày 28 tháng 8 (âm lịch). Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Theo Báo Nam Định Online, chùa Đệ Tứ không chỉ là một nơi ẩn chứa nhiều giá trị khảo cổ học mà còn là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật. Nằm quay hướng tây, ẩn dưới những tán cây cổ thụ to lớn và quang cảnh làng mạc thanh bình, ngôi chùa làm theo kiểu chữ công, kết hợp với các công trình phụ trợ xung quanh như giếng nước, vườn cây, nhà tổ, tăng phòng, nhà khách tạo thành một không gian linh thiêng, gần gũi và tĩnh lặng.

Tiền đường gồm 5 gian 2 chái được tu sửa vào năm Thành Thái thứ 8 (1898) nên mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Toàn bộ tiền đường gồm có 6 bộ vì được làm theo kết cấu chồng rường giá chiêng, bẩy tiền, bẩy hậu. Trên các xà dọc, xà nách, câu đầu được điểm xuyết nhẹ nhàng các họa tiết long chầu, tứ quý, lá lật với đường nét thoáng đạt. Gánh đỡ bộ mái tiền đường là 24 cây cột lim đều có đường kính 0,30m.

Ảnh: tintucnamdinh.vn

Tam bảo ba gian được nối với tiền đường bởi kỹ thuật giao mái bắt vần. Tam bảo gồm 4 gian xây dọc, đặt trên vì 4 hàng chân theo kết cấu kẻ truyền. Trên các câu đầu, bẩy, kẻ được bào trơn, chạy đường chỉ kép. Tại tam bảo có bài trí 15 pho tượng mang phong cách thời Nguyễn chia làm 5 lớp.

Thượng điện gồm 3 gian xây ngang, nối với tam bảo bằng kỹ thuật giao mái bắt vần. Tại đây, các cấu kiện gỗ cũng được trang trí nhẹ nhàng, đơn giản tạo thành một không gian rộng rãi, thoáng đạt.

Ảnh: tintucnamdinh.vn

Bao quanh ngôi chùa là nhà tổ 7 gian, nhà khách 7 gian, phủ mẫu 3 gian, tăng phòng 5 gian. Tất cả các hạng mục công trình này đều được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Trải qua thời gian, được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân địa phương nên các công trình vẫn giữ được độ bền vững cùng các phong cách kiến trúc cổ truyền.

3. Chùa Keo Hành Thiện

Chùa Keo là một ngôi chùa ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Việt Nam. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.

Theo nhandan.com.vn, kiến trúc chùa Keo tỉnh Nam Định rất giống với chùa Keo tỉnh Thái Bình. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt, nước trong xanh. Không gian chùa là cả một khối kiến trúc cổ đồ sộ, trầm mặc với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau. Tuy không có gác chuông chồng diêm ba tầng 12 mái như chùa Keo Thái Bình, nhưng gác chuông chùa Keo Nam Định cũng là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội năm gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7,50 m với dáng thanh thoát, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn.

Ảnh: dulich24.com.vn

Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ từ thế kỷ 17 thời Hậu Lê rất giá trị. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp, nhiều chuông, khánh, văn bia cổ, hoành phi, câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo.

Sự tồn tại của chùa Keo cùng với Chùa Diên Phúc, sau đổi tên là Viên Quang (xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường) và chùa Tháp Chương Sơn (xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) cho thấy dưới thời Lý, Nam Định là một trung tâm tôn giáo lớn của cả nước.

Ảnh: Báo Tiền Phong.

Hằng năm, lễ hội chùa Keo tỉnh Nam Định diễn ra từ mồng 10 đến 16-9 âm lịch. Nét độc đáo tại đây làm môn đua thuyền gồm 10 người mà dân làng Hành Thiện gọi là “trải”, nhưng là bơi chải đứng giống như chèo đò diễn ra trên con sông bao quanh làng. Cuộc đua được tổ chức vào hai ngày 12 và 15-9 âm lịch. Song song là rước kiệu trong Lễ Phụng Nghinh, một nghi thức quan trọng nhất của lễ hội.

Ảnh: Báo Tiền Phong.

Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Nam Định trở thành Di tích quốc gia đặc biệt sẽ góp phần nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa cổ ven sông Hồng. Chính quyền địa phương đã có ý tưởng kết nối Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo với Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh (cũng nằm trong làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng) trong hành trình tham quan, du lịch hướng về nguồn.

Ảnh: Báo Tiền Phong.

4. Chùa Phổ Minh

Theo dantri.com.vn, tháp Phổ Minh là một công trình trong khuôn viên chùa Tháp - một ngôi chùa ở thôn Tức Mạc, nằm ở phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Năm 2012, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Theo sử sách ghi lại, vào năm 1308, Kim Phật Trần Nhân Tông băng hà ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong – Yên Tử (theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, kỷ Anh Tông). Sau đó ít lâu, con ngài là vua Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt trong cỗ kiệu bát cống bằng đá rồi xây tháp Phổ Minh lên trên.

Ảnh: Báo Dân Trí.

Tháp Phổ Minh được xây dựng hình vuông, gồm 14 tầng, cao 19,5 m. Hai tầng dưới làm bằng đá mỗi chiều dài 5,2 m. Các tầng còn lại xây bằng gạch bắt mạch để trần. Mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng – Long thập tam niên” và khắc họa con rồng nổi thời Trần. Sau đó, một thương nhân giàu có đã bỏ tiền trát vữa lên các mặt tháp.

Ảnh: Báo Dân Trí.

Tháp nằm ngay trước cửa Tam Bảo. Dưới chân tháp còn có những dấu mốc bằng đá. Xưa kia sân chùa có đặt một chiếc vạc đồng rất lớn được xếp vào An Nam Tứ Đại Khí (gồm tháp Báo Thiên, tượng phật chùa Quỳnh Lâm, Vạc Phổ Minh, chuông Quy Điền).

Ảnh: Báo Dân Trí.

Những dấu mốc bằng đá này chính là dấu còn sót của những chân đỡ của chiếc vạc. Sau đó quân Minh xâm lược đã phá cả tứ đại khí của nước ta với âm mưu làm mất sử sách và những công trình văn hóa để đồng hóa dân ta.

5. Chùa Vọng Cung

Ngôi chùa lớn trên khuôn viên rộng gần 3.000 m2 thu hút rất đông khách du lịch gần xa, cùng bà con trong vùng đến ngoạn cảnh, thắp hương, nhờ chùa Vọng Cung ở giữa phố Hà Huy Tập sầm uất, quả là hiếm quý ở thành phố Nam Định. Chùa lại có lai lịch cùng kiến trúc khác thường. Các tòa nhà hai tầng ngang dọc đã được sửa sang, tô điểm, với kiến trúc mái chồng diêm, đầu đao cong vút vốn là hành cung được xây cất vào thời Gia Long (1802 – 1820).

Ảnh: tintucnamdinh.vn

Nghệ thuật chạm, khắc gỗ điêu luyện thế kỷ 19 cũng để lại dấu ấn trên nhiều mảng kiến trúc và trang trí. Các tác phẩm điêu khắc không nhiều, nhưng lạ mắt. Đôi câu đối là hai tác phẩm độc đáo chạm lộng rồng nổi, thếp vàng trên toàn bề mặt, chữ thì đặt nổi trên hình. Hai bức cửa võng ở hậu cung, viền chạm trổ đôi rồng chầu mặt nguyệt; trong chạm “mai-điểu” với bố cục lạ mắt mà hài hòa.

Ảnh: tintucnamdinh.vn

Trong số những hiện vật, đồ thờ bằng đồng, đặc sắc là quả chuông lớn, điểm chuông sớm tinh mơ thì tiếng ngân vang tới ngoại thành.

6. Đền Trần

Đền Trần là một quần thể đền thờ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ 15.

Ảnh: Báo Dân Trí.

Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiền Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch.

Cả ba đền đều có kiến trúc và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu.

Nguồn Tin Nhanh: http://tinnhanhonline.vn/top-nhung-dia-diem-tam-linh-tuyet-voi-o-nam-dinh-ma-ban-nen-den-vao-mua-vu-lan-nam-nay-1483598