Quốc hội 'quyết' GDP năm 2019 tăng 6,6-6,8%, CPI khoảng 4%

Với 92,16% đại biểu tán thành, sáng ngày 8/11/2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%.

Sáng ngày 8/11/2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Nguồn: QH

Theo đó, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Quốc hội xác định, mục tiêu tổng quát trong năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; Quyết liệt phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Quốc hội cũng thông qua các chỉ tiêu chủ yếu như: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%...

Nghị quyết cũng quy định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của năm 2019. Trong đó, tập trung tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời; Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Quốc hội yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại thu chi ngân sách, tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và triển khai hóa đơn điện tử; Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động và nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tập trung giải pháp để xử lý các dự án thua lỗ…

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/quoc-hoi-quyet-gdp-nam-2019-tang-66-68-cpi-khoang-4-145928.html