Top ba kiểu xe tăng bán chạy nhất trên thế giới

Xin giới thiệu bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga Ryabov Kirill đăng trên 'Bình luận quân sự' (Nga) ngày 20/7/2020.

Xe tăng T-90S của Quân đội Ấn Độ. Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga / mil.ru.

Xe tăng T-90S của Quân đội Ấn Độ. Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga / mil.ru.

Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) vẫn là một trong những mặt hàng được bán nhiều nhất trên thị trường vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật quân sự thế giới

Có một số quốc gia cung cấp xe tăng cho thị trường, một số xe tăng xuất khẩu đã đạt được những thành công thương mại vượt trội. Trong mấy thập kỷ gần đây, những xe tăng chiến đấu chủ lực được xuất khẩu nhiều nhất là T-90 của Nga, Leopard 2 của Đức và M1 Abrams của Mỹ.

Phổ biến nhất

Năm 1999, hợp đồng xuất khẩu MBT T-90S đầu tiên đã được ký kết. Trong các năm tiếp theo, đã có thêm một số thỏa thuận tương tự, và kết quả là T-90S cùng các biến thể của nó trở thành kiểu xe tăng bán chạy nhất hiện nay.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, việc sản xuất T-90 đã được thực hiện ở cả nước ta (Nga) và cả ở nước ngoài theo giấy phép.

Khách hàng mua T-90S nhiều nhất là Ấn Độ và chính các đơn đặt hàng từ Ấn Độ là nhân tố quyết định thành công thương mại của kiểu xe tăng này.

Ấn Độ vào năm 1999 đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên, và sau đó nước này thành lập một công ty chuyên lắp ráp T-90 theo giấy phép.

Theo các số liệu được biết, hiện nay trong trang bị của các đơn vị chiến đấu Lục quân Ấn Độ có hơn 1000 xe tăng T-90S và vài trăm chiếc nữa đang được niêm cất bảo quản.

Algeria và Azerbaijan cũng trở thành những khách hàng quan trọng – đã mua 400 và 100 xe tăng. Các nước khác chỉ mua hàng chục hoặc vài chiếc T-90.

Tăng T-90S của Quân đội Turmenistan. Ảnh: Wikimedia Commons.

Hiên T-90S và các biến thể vẫn đang được tiếp tục sản xuất theo các đơn đặt hàng đã ký. Ngoài ra, liên tục có thêm các thông tin về những hợp đồng xuất khẩu mới dự định sẽ ký.

Số lượng T-90S được xuất khẩu và lắp ráp theo giấy phép đến thời điểm hiện tại là gần 2.000 chiếc. Khi hoàn thành các đơn đặt hàng hiện tại, chưa tính tới những đơn hàng dự kiến, con số này sẽ còn tăng lên nhiều.

Có một điều quan trọng cần phải nói về những chiếc xe tăng mới được sản xuất. T-90 xuất khẩu chủ yếu được sản xuất từ đầu và chuyên biệt cho từng khách hàng cụ thể.

Những xe tăng đã hoàn thiện, đang có trong trang bị của các đơn vị Quân đội Nga hoặc lấy từ các kho bảo quản chỉ được chuyển giao cho một số khách hàng cá biệt với số lượng tối thiểu.

Lý do giúp T-90 và các biến thể của nó thành công rất dễ nhận thấy. MBT này có tỷ lệ giá/ hiệu quả có lợi nhất cho khách hàng. Xét theo tiêu chí khả năng cơ động, khả năng tự bảo vệ và vũ khí, T-90S đáp ứng được các yêu cầu hiện đại.

Các dự án hiện đại hóa dự kiến cho phép cải thiện tất cả các tính năng kỹ- chiến thuật và các phẩm chất tác chiến chủ yếu.

Trong khi đó, giá cả lại rất phải chăng – giá một chiếc T-90SM hiện đại không vượt quá 4,5 triệu USD, thấp hơn nhiều so với giá xe tăng cùng loại của nước ngoài.

Strv 122 - Leopard 2 của quân đội Thụy Điển. Ảnh Wikimedia Commons.

Hàng “second hand” của Người Đức

Xét về tổng khối lượng xuất khẩu – nếu không tính một số tiểu tiết – thì MBT Leopard 2 của Đức có thể sánh ngang với T-90S của Nga. Xe tăng kiểu này với nhiều biến thể khác nhau đã được sản xuất từ cuối những năm 70 và đến nay đã cho xuất xưởng gần 3.600 xe.

Cho đến cách đây không lâu, khách hàng chủ yếu mua Leopard 2 là chính Các Lực lượng Vũ trang Đức. Mãi sau này, Leopard 2 mới được xuất khẩu với số lượng lớn.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Bộ Quốc phòng Đức quyết định cắt giảm mạnh số lượng xe tăng trong các đơn vị chiến đấu.

Sau một loạt các cải cách, Bộ đội Tăng- Thiết giáp cũng bị giảm biên chế mạnh và chỉ giữ lại hơn 300 xe tăng Leopard 2 trong trang bị, chủ yếu là những phiên bản đời mới nhất.

Những xe tăng còn lại được đưa đi niêm cất và sau đó được rao bán. Ngoài ra, việc sản xuất xe tăng vẫn tiếp tục, chủ yếu là để xuất khẩu.

Từ đầu những năm 90 đến nay, Đức đã bán hơn 2.800 MBT dòng Leopard-2, và khoảng 2/3 trong số đó là những xe tăng “tồn trong kho”. Khách hàng chính mua các xe tăng này là những quốc gia Châu Âu muốn hiện đại hóa lực lượng tăng - thiết giáp nhưng chỉ có khả năng tài chính hạn chế.

Các nước Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Á cũng quan tâm đến kiểu xe tăng này. Tuy nhiên, không phải cuộc đàm phán nào cũng đi đến kết quả ký hợp đồng. Giới lãnh đạo Đức đã cấm bán kiểu MBT này cho một số nước.

Leopard 2PL – Phiên bản hiện đại hóa xe tăng Đức của Ba Lan. Ảnh Wikimedia Commons.

Có một chi tiết khá thú vị là một số xe tăng kiểu này đã “thay thầy đổi chủ” một số lần. Ví dụ cụ thể, vào đầu những năm 90, Hà Lan đã mua mấy trăm MBT nói trên.

Nhưng sau đó, nước này quyết định “giã từ” xe tăng, và một số lượng đáng kể xe tăng đã qua sử dụng được bán lại cho Canada. Một số trong số đó sau đó được bán lại lần nữa cho Đức, được nước này hiện đại hóa và đưa trở lại trang bị.

Lý do khiến các MBT Đức dòng Leopard-2 được ưa chuộng khá đơn giản. Bundeswehr đã giảm giá rất sâu với đồ “second hand" nên người mua có thể nhận được một chiếc xe tăng có những tính năng kỹ- chiến thuật ưu việt và hạn sử dụng còn khá dài với mức giá quá mềm- chỉ từ 1,5-2,5 triệu đô la.

Nhưng những phiên bản đời mới thì lại rất đắt. Với Leopard 2A6 hoặc 2A7, nhà sản xuất đòi ít nhất 5-6 triệu USD.

Hàng Mỹ

Các nhà chế tạo xe tăng Mỹ hoàn toàn có quyền tự hào về những thành công thương mại rất đáng nể . MBT M1 Abrams phiên bản đầu được sản xuất hàng loạt vào đầu những năm 80 và ban đầu chỉ sản xuất riêng cho Quân đội Mỹ.

Sau đó, mới xuất hiện những hợp đồng xuất khẩu đầu tiên, và cho đến nay "Abrams" đã là một kiểu xe tăng dẫn đầu về doanh số thu được từ xuất khẩu.

Xe tăng M1A1 của Các Lực lượng Vũ trang Ai Cập. Ảnh Wikimedia Commons.

Tổng cộng, đã có hơn 10.000 xe tăng M1 đã được sản xuất – phần lớn trong số đó được đưa vào trang bị cho Quân đội Mỹ.

Có khoảng 2.200 tăng, cả mới lẫn lấy ra từ trang bị đã được bán cho nước ngoài. Cùng với đó, chỉ có 6 nước trên thế giới có quan hệ tốt với Mỹ mua được kiểu xe tăng này.

Khách hàng nước ngoài mua nhiều xe tăng Abrams nhất là Quân đội Ai Cập. Lục quân Ai cập đã mua gần 1.200 MBT phiên bản M1A1. Mua cả xe tăng thành phẩm và mua các bộ phận để tự lắp ráp theo giấy phép.

Hầu hết các xe tăng nói trên vẫn đang hoạt động, chỉ vài chục xe đưa vào kho bảo quản. Ả Rập Xê Út mua khoảng 400 xe tăng phiên bản M1A2 và phiên bản cải tiến M1A2SA. Kuwait mua hơn 200 xe tăng A2. Iraq, Australia và Morocco mỗi nước chỉ mua vài chục chiếc.

Trong các tài liệu quảng cáo có khẳng định rằng những phiên bản hiện đại của MBT M1 Abrams vượt trội hơn các phương tiện khác do có những tính năng kỹ- chiến thuật tốt và chất lượng tác chiến được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, những chiếc xe tăng này, tùy thuộc vào từng phiên bản, có thể bị coi là quá đắt. Cụ thể, xe tăng M1A1 bán cho Australia là những xe tăng được lấy từ trong kho ra, “mông má” lại chút ít và bán với giá khoảng 1,2 triệu đô la/chiếc, còn giá cho những phiên bản mới nhất có thể lên tới 8-9 triệu đô la/ chiếc.

M1A1 của Quân đội Iraq. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ / Defenseimagery.mil.

Không khó để nhận ra rằng, khi sản xuất "Abrams", người Mỹ chỉ quan tâm đến việc tái trang bị cho Quân đội của mình, việc xuất khẩu "Abrams" không phải là hướng ưu tiên.

Ngoài ra, triển vọng xuất khẩu thương mại kiểu MBT này sẽ bị tác động bởi giá quá cao và việc Mỹ chỉ sẵn sàng hợp tác với một số lượng rất hạn chế những quốc gia thân thiện của Mỹ. Tuy vậy, những kết quả đã thu được từ xuất khẩu “Abrams” cũng đã rất ấn tượng.

Và các nước khác

Ngoài Nga, Đức và Mỹ, MBT cũng đang được một số nước khác sản xuất và xuất khẩu. Trước hết, đó là Trung Quốc. Ngành công nghiệp CHND Trung Hoa đã thiết kế một số loại xe tăng với các tính năng kỹ- chiến thuật khác nhau chỉ để xuất khẩu.

Một số trong những mẫu đó đã được sản xuất theo loạt và cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu tính về số lượng (xuất khẩu) thì không một MBT Trung Quốc nào có thể cạnh tranh với những MBT đã dẫn ở trên.

Nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục theo đuổi hướng đi này và đang nhìn về phía trước với con mắt khá lạc quan.

Cũng cần phải nhắc tới MBT Leclerc của Pháp. Nó được sản xuất từ năm 1990 đến năm 2008, và trong thời gian này đã có khoảng 860 Leclerc được xuất xưởng. Hơn 400 trong số đó đã được quân đội Pháp mua, số còn lại được bán cho một khách hàng nước ngoài duy nhất - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Vấn đề chính khiến tiềm năng xuất khẩu Leclerc bị hạn chế là giá quá cao. Do được trang bị các phương tiện điện tử hiện đại nhất, những xe tăng kiểu này đời “chót” có giá lên tới cả hơn 10 triệu USD.

MBT Leclerc của Quân đội UAE. Ảnh: Lostarmour.info.

Hiện tại và tương lai

Tình hình trên thị trường MBT thế giới trong những thập kỷ gần đây khá dễ hiểu và dễ đoán. Khách hàng tiềm năng chọn mua phương tiện kỹ thuật theo tiêu chí tỷ lệ chất lượng/ giá cả.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, các nhân tố chính trị đóng một vai trò quan trọng: không phải lúc nào một quốc gia cụ thể nào đó cũng có thể ký hợp đồng với một nhà cung cấp cụ thể nào đó.

Rõ ràng, tình hình thị trường hiện tại sẽ không có những thay đổi quá lớn trong tương lai gần. T-90S và những biến thể của nó sẽ vẫn là loại xe tăng mới phổ biến nhất và Leopard 2 sẽ giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường xe tăng đã qua sử dụng.

Tuy vậy, đã xuất hiện những điều kiện tiên quyết để thay đổi tình trạng này. Một “tay chơi” lớn mới xuất hiện trên thị trường – đó là Trung Quốc.

Ngoài ra, các quốc gia hàng đầu cũng đang thiết kế các loại xe tăng triển vọng và họ cũng sẽ có thể tham gia thị trường trong tương lai.

Tuy nhiên, những tiến trình như vậy sẽ mất nhiều hơn một năm, và cho đến lúc đó thì tình hình vẫn sẽ không có thay đổi gì lớn.

Theo Lê Hùng-Nguyễn Hoàng/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/top-ba-kieu-xe-tang-ban-chay-nhat-tren-the-gioi/20201113014119564