Top 50 2019: Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan

Bằng việc gia nhập vào ngành bán lẻ thông qua sáp nhập VinCommerce, Masan kỳ vọng tạo ra sự hiệp lực đáng kể để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan vừa có Tổng Giám đốc mới thuộc thế hệ 8x. Sự thay đổi về nhân sự điều hành diễn ra trong bối cảnh tập đoàn hàng đầu về sản xuất thực phẩm của Việt Nam đang tái cấu trúc mạnh mẽ. Bằng việc Masan gia nhập vào ngành bán lẻ thông qua sáp nhập VinCommerce (VCM), cả Masan Consumer và Masan MEATLife đều được kỳ vọng sẽ tạo ra sự hiệp lực đáng kể, đẩy nhanh các chiến lược tập trung vào người tiêu dùng và mang lại giá trị vượt trội cho cổ đông.

Năm 2019 đã ghi nhận nhiều thành tựu vượt trội của Masan. Tập đoàn Masan đạt doanh thu thuần 37.354 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông trong hoạt động kinh doanh chính năm 2019 đạt 3.907 tỉ đồng, tăng 12,4% so với năm 2018. Masan Group thiết lập vững chắc nền tảng Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

"Mục tiêu của chúng tôi là dẫn đầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một vài địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group, cho biết.

Đáng chú ý, 2019 là năm thứ 2 sau khi Masan Consumer tái cấu trúc thành công mô hình từ “bán hàng hóa” thành “xây dựng thương hiệu” từ cuối năm 2017, hy sinh lợi ích ngắn hạn để tập trung nguồn lực vào tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Trong đó, Tập đoàn kỳ vọng Masan Consumer sẽ tăng trưởng trên 15% về doanh thu và tăng trưởng 2 con số về lợi nhuận trong năm nay. Năm ngoái, đơn vị này đã tăng trưởng doanh thu thuần 8,6%, đạt 18.845 tỉ đồng.

Đặc biệt, Ban lãnh đạo Masan Group cho biết tầm nhìn “hệ thống VinMart sẽ không dừng lại ở việc bán lẻ hàng nhu yếu phẩm”. Theo ông Danny Le, tân Tổng Giám đốc Masan Group, Masan hướng đến hệ sinh thái bao quát từ chia sẻ tương tác, trò chuyện, xem phim, nghe nhạc, đọc tin, chơi game, nhắn tin nghe gọi, học tập, sức khỏe, mua vé máy bay...

Đối với mảng thịt và chăn nuôi Masan MEATLife, Hội đồng Quản trị đặt mục tiêu doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất. Sở dĩ Ban lãnh đạo kỳ vọng mức đóng góp này là do kết quả tích cực của MEATDeli trong thời gian qua.

Doanh số của MEATDeli trong tháng 12.2019 tăng gấp đôi so với tháng 6.2019 với doanh thu 102 tỉ đồng. Với việc mở rộng mạng lưới phân phối của MEATDeli trong năm 2019, cùng cộng hưởng tiềm năng của hơn 3.000 điểm bán lẻ hiện đại thuộc VinCommerce, Ban lãnh đạo nhận định, MEATLife dự kiến sẽ trở thành công ty kinh doanh thịt dẫn đầu trong tương lai gần.

Đối với lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và hàng tiêu dùng, Hội đồng Quản trị đặt mục tiêu biên EBITDA năm 2020 của VinCommerce đạt điểm hòa vốn vào nửa cuối năm 2020. Về mảng khai khoáng, năm nay Masan Resources sẽ tập trung hoàn thành tích hợp HCS để trở thành nhà chế biến sản phẩm vonfram cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu.

Năm 2020, Hội đồng Quản trị Masan thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu thuần từ 75.000-85.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 1.000-3.000 tỉ đồng. Ban lãnh đạo Masan kỳ vọng doanh thu thuần hợp nhất của Masan năm 2020 tăng trưởng ở mức 2 con số, đồng thời lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm.

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/top-50-2019-cong-ty-co-phan-tap-doan-masan-3336189/